4 bộ trưởng ‘giải nhiệt’ nhiều vấn đề nóng

Ngày 1-11, QH bước vào  ngày làm việc thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Hàng trăm ý kiến của các đại biểu (ĐB) trong hai ngày thảo luận nội dung này đã được Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tổng hợp. Bốn bộ trưởng các bộ NN&PTNT, Công Thương, Y tế, Tài chính được dành cho 10 phút để giải trình những vấn đề nóng mà các ĐB nêu ra.

12 dự án thua lỗ ngàn tỉ: 2020 xử lý xong!

Trong hai ngày thảo luận, nhiều ĐBQH đề cập đến tình trạng đầu tư thua lỗ, các dự án ngàn tỉ đắp chiếu, trùm mền đang gây lãng phí ngân sách, tiêu biểu là 12 dự án thuộc ngành công thương.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết 12 dự án này rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau và phần lớn đều có những vấn đề mà nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Hiện Bộ Chính trị đã nghe và cũng đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất tất cả việc chuẩn bị, trong đó có giải pháp cơ chế, chính sách và những bước để triển khai tiến hành. Năm 2018 sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này. Đến năm 2020 thì sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả khía cạnh và lĩnh vực.

Thực tế tiến độ đang được bảo đảm. Có bốn dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục hoạt động sản xuất, đang từng bước tiếp cận thị trường, hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó có giải pháp bán vốn, thu hồi vốn của Nhà nước. Ba dự án khác trong lĩnh vực xăng sinh học đang khởi động, tổ chức lại, năm 2018 sẽ có hoạt động thương mại, tham gia thị trường, là cơ sở để giải quyết triệt để các dự án này.

“Các dự án như Gang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng đang có bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như các giải pháp về công nghệ, giải quyết tồn tại với tổng thầu nước ngoài...” - bộ trưởng cho biết.

Từ trái qua: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ

Nhiều ĐB cho rằng vẫn còn quá nhiều bất cập trong thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2014. Bội chi, lạm dụng, trục lợi, vướng mắc bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ BHYT đang là vấn đề nóng. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong 10 phút giải trình cho biết: “Thanh toán khám chữa bệnh do BHYT chi trả. Đây là vấn đề nhiều địa phương bức xúc do chậm thanh toán, treo một số lượng lớn, có địa phương lên tới 1.000 tỉ đồng”.

Theo bà Tiến, vừa qua chúng ta đạt tỉ lệ BHYT trên 82% (vượt chỉ tiêu QH và Chính phủ giao). Tuy nhiên, do giá dịch vụ y tế tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên... nên nhiều địa phương bội chi quỹ BHYT... Thời gian tới Bộ sẽ sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng sử dụng các dịch vụ quá mức, trục lợi BHYT (khoán trần chi phí), đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm khống chế tối đa tình trạng chi quá mức cần thiết BHYT.

Bộ trưởng Tiến cũng cho biết thực trạng quỹ hiện nay, đến đầu năm 2016, quỹ kết dư là 47.000 tỉ đồng. Kết dư nhiều như vậy có cái tốt và không tốt. Không tốt vì đây là quỹ ngắn hạn, người dân đóng và họ phải được hưởng hết hằng năm, trừ khi có dự phòng. Kết dư nhiều như vậy có nghĩa là người dân chưa được sử dụng các dịch vụ tốt, nhất là vùng sâu, vùng xa (tỉ lệ kết dư lớn), chưa được hưởng dịch vụ, kỹ thuật cao, chưa có ý thức khám chữa bệnh. Kết dư lớn thể hiện nền y tế không công bằng, chưa chăm sóc người dân.

“Trong cái không tốt cũng có cái may là 2016 ta điều chỉnh giá dịch vụ y tế về gần giá trị thực. Năm nay chi sẽ vượt quá lên 10.000 tỉ thì đã có nguồn kết dư đó. Dự kiến nguồn kết dư đó chúng ta cũng chỉ sử dụng được ba năm nữa với giá duy trì như hiện nay. Không phải vỡ quỹ ngay nhưng nguy cơ vỡ quỹ là như vậy” - Bộ trưởng Tiến lý giải.

Vì sao thu ngân sách không đạt?

Trong khi đó, giải trình về tại sao thu ngân sách không đạt dự toán trong khi tăng trưởng đạt 6,7%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% và lạm phát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều hạn chế như năng suất lao động chưa cao, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả kém, vẫn còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước chịu sự tác động của nền kinh tế cho nên thu ngân sách vượt 2,3% là tích cực so với năm 2016, khi phải bù đắp do thu nội địa và giá dầu thô giảm.

Dù thu không đạt dự toán đề ra là vượt 2,8% nhưng cũng là cố gắng nhiều so với năm 2016. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Dũng, do cơ cấu lại DNNN chậm, kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty lớn năm nay khó khăn, hay thu từ Samsung và Formosa không nhiều do đang trong thời gian được hưởng ưu đãi từ thuế do chính sách đầu tư.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô giảm do giới hạn sản lượng và giá ở mức thấp, từ đóng góp 20% vào năm 2016 nhưng đến 2017 còn đóng góp 3,2% trong ngân sách nhà nước. Chưa kể miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tạo điều kiện làm ăn kinh doanh cho nên thu từ ngân sách giảm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Giữ bằng được 10,2 triệu ha rừng

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của ĐB vấn đề quản lý và bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay sau một thời gian, chúng ta phấn đấu hệ số che phủ rừng từ 28% lên 41,19%. “Liên quan vấn đề quản lý và bảo vệ rừng, có hai nội dung chỉ đạo lớn. Một là tổng số 14,3 triệu ha rừng, trong đó có 10,2 triệu ha rừng tự nhiên phải giữ bằng được. Kiên quyết không chuyển đổi những dự án xâm phạm vào vùng này, trừ trường hợp dự án quốc phòng, an ninh hoặc dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng. Hai là Thủ tướng sau một năm yêu cầu quy định đóng cửa rừng tự nhiên không khai thác gỗ, năm nay tiếp tục vừa tổng kết vừa giữ bằng được 10,2 triệu ha này” - ông Cường nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới