4 cách dạy con ứng phó với kẻ xấu

(PLO)- Đôi khi việc quan tâm, trò chuyện, hỏi han trong gia đình trở thành xa xỉ với một số người. Tình trạng này chỉ có hại, không có lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vài năm trở lại đây, tình trạng nam, nữ thanh thiếu niên mắc bẫy của các đối tượng xấu ngày càng nhiều.

Một số bị đẩy vào các sòng bạc (casino) để làm phục vụ, số khác bất khả kháng làm nhân viên đòi nợ, mạo danh cán bộ cơ quan chức năng, nhân viên nhà mạng hoặc nhân viên tổng đài để thực hiện lừa đảo theo kịch bản của những tổ chức/băng nhóm cầm đầu. Đáng nói là không ít người trở thành công cụ mua vui về thể xác cho nhiều đối tượng khác nhau.

4 cách dạy con ứng phó với kẻ xấu
4 cách dạy con ứng phó với kẻ xấu

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Điểm chung khiến nhiều nạn nhân sập bẫy là kỹ năng sống hạn chế, khả năng ứng phó trước các tình huống nguy hiểm/khẩn cấp thấp, tâm lý dễ dao động, nhận thức bản thân chưa phù hợp, nhẹ dạ và phụ huynh chưa thực sự quan tâm phát triển kỹ năng cho con. Thông thường “mất bò mới lo làm chuồng”.

Mới đây, Công an TP Hà Nội liên tục đăng tải các thông báo tìm kiếm các thiếu nữ mất liên lạc với gia đình, kèm ảnh chân dung, sau nhiều ngày gia đình tìm kiếm. Sau khi thông tin đăng tải, các gia đình đều liên lạc được với con mình, nguyên nhân chủ yếu là đi chơi cùng bạn trai mới quen trên mạng xã hội.

Ngày 12-2, Công an huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã bắt tạm giam năm đối tượng (từ 14 đến 24 tuổi) liên quan để điều tra về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Người bị hại là bé gái 12 tuổi được nhóm đối tượng tiếp cận, bắt chuyện và làm quen tại một quán cà phê ở xã Krông Búk. Sau đó, rủ bé gái về nhà bạn của mình ăn uống. Lợi dụng sự nhẹ dạ của bé gái, đồng thời trong hoàn cảnh quá khuya, nhóm thanh thiếu niên thay phiên nhau quan hệ tình dục với bé gái 12 tuổi này.

Một thông tin được báo chí đăng tải, khi bắt xe khách về Tây Ninh, một nam sinh đã bị tước sạch giấy tờ tùy thân, tiền bạc khi rơi vào tay băng nhóm lừa đảo, chuyên gạt ép nạn nhân đưa sang Campuchia để làm việc tại các sòng bạc hoặc “đào tạo” thành người chuyên đi lừa đảo tiếp theo.

Những điều phụ huynh cần lưu ý để bảo vệ trẻ

1. Dạy con nhận diện nguy hiểm

Việc chỉ mặt, đặt tên các nguy hiểm mà con có thể gặp phải từ nhỏ giúp trẻ nhận ra được các nguy cơ, những ảnh hưởng đến mình và những người xung quanh. Chẳng hạn như đồ vật sắc nhọn, chất gây cháy nổ, tai nạn xe cộ, đuối nước, côn trùng cắn, thú dữ/vật nuôi nguy hiểm…

Đối với các nguy cơ đến từ người lạ, người xấu cần chỉ rõ các hành vi an toàn, lành mạnh và không lành mạnh như sờ, chạm, nắm, ôm và dụ dỗ đi theo, lên xe, cho quà bánh, chăm chăm vào tài sản của người khác, ánh mắt ngó nghiêng, soi mói, lời nói không đứng đắn...

Việc dạy kỹ năng cho con phải được nhắc lại thường xuyên, mức độ phức tạp ngày càng nâng cao phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Đặc biệt, phải cảnh báo trẻ, bất kể hành vi nào đi ngược với đạo đức, pháp luật đều có thể là hành vi nguy hiểm, cần cảnh giác, không cổ vũ, tránh xa, cần thiết phải tố cáo/tố giác như bắt cóc, bạo hành, xâm hại, lừa đảo, buôn lậu, mại dâm…

2. Dạy con xử lý tình huống

Khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ thường rơi vào khả năng nhận diện và xử lý vấn đề vì kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy hoặc học tập chênh lệch rất lớn. Do đó, khi trẻ nhỏ gặp tình huống bất ngờ, mới mẻ sẽ dễ mất bình tĩnh, không thể quản lý cảm xúc và hành vi. Kẻ xấu dễ nhắm vào điểm yếu này để tấn công hoặc “thao túng tâm lý”.

Phụ huynh phải một mặt không ngừng tiếp thu kiến thức, kỹ năng, mặt khác phải nắm được đặc điểm tâm lý lứa tuổi và thực tế khắc nghiệt, thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu để giáo dục con sao cho hiệu quả.

3. Thường xuyên quan tâm, hỏi thăm con

Đôi khi việc quan tâm, trò chuyện, hỏi han trong gia đình trở thành xa xỉ với một số người. Tình trạng này chỉ có hại, không có lợi. Khi con trẻ muốn tâm sự sẽ cảm thấy không thể mở lời, vì các lần trước người lớn nếu không ngó lơ, trả lời qua loa thì cũng là mắng chửi, chỉ trích. Do đó, sau này khi gặp bất kỳ vấn đề lớn nhỏ gì trẻ cũng chịu đựng, tự giải quyết hoặc tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài, người ngoài. Và nguy hiểm có thể đến từ việc tin tưởng, tìm trợ giúp từ người ngoài hay làm theo những hướng dẫn trên mạng không có kiểm chứng.

Chính việc quan tâm, trò chuyện giúp phụ huynh nhận ra cảm xúc vui, buồn, lo lắng, thất vọng hay niềm vui của con để chia sẻ và định hướng, chỉ đường tốt - xấu sao cho phù hợp. Sau mỗi lần như vậy, trẻ sẽ trưởng thành hơn, nhận thức chín chắn và hành động ít sai hơn, người lớn cũng ngày một an tâm hơn.

Chính việc quan tâm, trò chuyện giúp phụ huynh nhận ra cảm xúc vui, buồn, lo lắng, thất vọng hay niềm vui của con để chia sẻ và định hướng, chỉ đường tốt - xấu sao cho phù hợp.

4. Tôn trọng con và phản hồi phù hợp

Trên thực tế, nhiều cha mẹ giám sát con quá chặt khiến đứa trẻ “nghẹt thở”, hay chê bai, trách móc khiến trẻ cảm thấy tổn thương, trẻ cảm thấy không có được sự tự do hay tôn trọng nào… nên dễ sinh ra bất mãn, phản kháng và từ chối sự “quan tâm thái quá” này.

Một số gia đình lại “tôn trọng quá mức”, trao cho con tự do theo ý muốn, buông lỏng việc giáo dục con: Học hành sao cũng được, chơi với ai cũng không quản, đi đâu không hỏi và cũng không nhắc nhở về giờ giấc. Lối giáo dục này có khả năng tạo ra nhiều nguy hại khôn lường khi trẻ “hãy còn ngây thơ” trước các đối tượng xấu, có ý đồ.

Tùy vào thái độ và hành động của trẻ mà cha mẹ đưa ra quyết định phản hồi sao cho đúng bản chất vấn đề. Khi trẻ hành động sai lầm, hãy chỉ ra cái sai bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng nhưng phải kiên quyết hướng dẫn trẻ làm lại cho đúng. Khi trẻ làm tốt, đừng tiếc lời khen ngợi nhưng không được phóng đại vấn đề dễ khiến trẻ ảo tưởng, khinh địch… dễ trở thành nạn nhân của cạm bẫy “mật ngọt chết ruồi” mà kẻ xấu thường tung ra.•

Trang bị cho con nhiều kỹ năng sống mang tính thực tế

Các kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm (khi gặp người xấu, hỏa hoạn, bắt cóc, xâm hại/lạm dụng tình dục), tìm kiếm sự giúp đỡ, phân tích, phản biện… đều vô cùng cần thiết cho đời sống của mỗi người trước những nguy hiểm của đời sống hiện đại.

Không thể phủ nhận rằng một đứa trẻ có kỹ năng sống phong phú, đa dạng sẽ sống và học tập dễ thở hơn những trẻ nghèo nàn về tri thức, kỹ năng và hiểu biết xã hội.

Vì vậy, đầu tư phát triển kiến thức, kỹ năng cho con luôn rất quan trọng và cần thiết để trang bị cho trẻ “kim bài miễn dịch” trước những thói hư, tật xấu đang bủa vây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm