4 cách nhận diện điểm tuyển sinh lái xe… dỏm

Pháp Luật TP.HCM đã có những bài viết phản ánh hàng trăm nạn nhân bị lừa trong thời gian qua. Vậy làm cách nào để nhận diện, tránh mất tiền cho các điểm giả mạo, lừa đảo này?

Đừng tin những lời có cánh trên… cột điện

Theo ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, hiện trên cột điện, bờ tường, trên mạng và ngay cả trên bảng hiệu của các điểm tuyển sinh đào tạo lái xe luôn có những câu quảng bá như lấy bằng B2 bao đậu, cam kết đỗ 100%, học nhanh, thi sớm, đậu cao, học lái ô tô ba tháng là có bằng, hỗ trợ ghi danh tại nhà…

Theo ông Quang, đó là những lời có cánh, không thực. Vì lẽ hiện tỉ lệ đậu lý thuyết và sát hạch tay lái ở các trường, trung tâm chỉ khoảng 85%, nơi đào tạo-sát hạch có chất lượng đạt đến 90% là rất hiếm.

Cạnh đó, thời gian học, thi lý thuyết, tập lái và thi sát hạch tay lái đến lúc có bằng của một học viên trung bình là 5-6 tháng, không thể “ngắn gọn, đốt cháy” thời gian như những lời quảng bá trên.

Đặc biệt, theo quy định của Bộ GTVT và Sở GTVT, việc tuyển sinh, tiếp nhận hồ sơ của học viên phải được thực hiện tại trụ sở hoặc các văn phòng, điểm tuyển sinh chính thức, đã được đăng ký của cơ sở, trung tâm đào tạo. “Các hình thức ghi danh tại phòng, điểm tuyển sinh hoặc ghi danh tại nhà đều là trái quy định hoặc là dấu hiệu bước đầu của “quá trình” lừa đảo!” - ông Quang cảnh báo.

Để học lái ô tô, bạn nên tìm đến những cơ sở, trường đào tạo lái xe có trong danh sách niêm yết trên website của Sở GTVT, đừng tin vào những lời có cánh treo trên cột điện. Ảnh: LƯU ĐỨC

Thấy “tư vấn học lái xe”, hãy nghi ngờ

Theo ông Ngô Đình Quang, hiện nay khi người dân truy cập trang web của Sở GTVT (đường dẫn: http://sgtvt.hochiminhcity.gov.vn), vào tiếp mục “Danh sách cơ sở đào tạo lái xe” hoặc mục lịch thi sát hạch là có đầy đủ danh sách 71 cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và khoảng 100 văn phòng tuyển sinh của các cơ sở này. “Đây là các cơ sở đào tạo, phòng tuyển sinh nằm trong vòng quản lý, kiểm soát của Sở GTVT nên mọi dấu hiệu làm gian dối, làm trái quy định sẽ bị xử lý nghiêm!” - ông Quang cho biết.

Theo ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, do sự “cởi mở” của Luật Doanh nghiệp và sự thông thoáng của thủ tục đăng ký kinh doanh nên ở một số điểm, phòng tuyển sinh đào tạo lái xe có hẳn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT hoặc phòng kinh tế các quận, huyện cấp. Nhưng các văn phòng này không có và không thể niêm yết giấy chứng nhận dạy nghề, đào tạo lái xe do Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT cấp (bản chính hoặc bản công chứng). “Các điểm, phòng tuyển sinh này thường trưng, dán trên bảng, biển “tư vấn học nghề lái xe” (như trong giấy phép do Sở KH&ĐT cấp) nhưng trên thực tế họ thường làm luôn việc thu tiền, lên lịch học, lịch sát hạch… khiến người có nhu cầu lấy bằng lái tin là… thật. Nhưng khi kiểm tra thực tế thì tại các điểm, văn phòng này không hề có thiết bị, phòng học hoặc hoạt động giảng dạy!” - ông Vũ Việt Hà cho biết. “Vì thế bạn nên đặt câu hỏi, nghi ngờ ngay khi bước chân đến những điểm, văn phòng có trưng, dán bảng, biển “tư vấn học lái xe”!” - ông Hà nói.

Tránh xa chi phí rẻ bèo

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường dạy nghề tư thục Hoàng Gia (37-39 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3), bằng trực giác người học có thể nhận ngay ra các điểm, văn phòng tuyển sinh dỏm.

Cụ thể, bảng, biển của các điểm, văn phòng này rất tạm bợ, chỉ là những tấm panô bằng vải bạt kẻ, vẽ chữ với giá vài ba trăm ngàn đồng, không có logo, biển hiệu với sắc màu đặc trưng như ở các trường đàng hoàng.

Cạnh đó, bước vào phòng làm việc thấy chỉ có vài bộ bàn ghế, máy tính không kết nối với nhau, vài ba nhân viên không mặc đồng phục như ở các trường… là biết ngay văn phòng dỏm! “Với bảng, biển, bàn ghế, trang bị làm việc và con người như thế, chỉ cần 15 phút trong đêm là điểm tuyển sinh dỏm này cho lên ba gác, thậm chí bỏ cả văn phòng, bàn ghế và hô… biến!” - ông Long nói về kinh nghiệm trực giác.

Một kinh nghiệm khác, theo ông Long, đừng tin các điểm, văn phòng tuyển sinh trên đào tạo ra bằng B2 giá chỉ 6-7 triệu đồng/người. Vì thực tế hiện chi phí đào tạo, xăng, xe (theo loại bốn hoặc bảy chỗ) của các trường đàng hoàng đã là 10-12 triệu đồng/người. “Ban đầu các điểm, văn phòng dỏm có thể thu 6-7 triệu đồng nhưng khi móc nối được với các trường ở vùng sâu, vùng xa thì họ “kê tán” lên. Cạnh đó, bạn phải hỏi kỹ 6-7 triệu đồng là cả gói hay là đóng lần đầu. Nếu nhân viên ở đó trả lời mập mờ là biết ngay bạn đang đứng trước… quả lừa!” - ông Long cho biết kinh nghiệm.

Còn ông Ngô Đình Quang cho biết theo quy định hiện hành, việc thu học phí phải thực hiện hai lần, đầu và cuối khóa học. Nếu điểm, văn phòng nào đòi đóng học phí một lần cả cục là biết ngay đồ dỏm!

Phải công khai phí, lệ phí

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, cung cấp thêm một kinh nghiệm khác: Các cơ sở đào tạo, điểm tuyển sinh lái xe do Sở quản lý phải thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng đào tạo giữa cơ sở với người học. Mức học phí, phí sát hạch, lệ phí cấp bằng lái phải được niêm yết công khai tại văn phòng cơ sở, điểm tuyển sinh. Khi thu học phí, lệ phí, phí sát hạch phải có phiếu thu theo quy định của Bộ Tài chính.

“Các trường không thực hiện các quy định trên là vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm. Còn các điểm, văn phòng không thực hiện các quy định trên là dấu hiệu của hành vi lừa đảo!” - ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới