4 món ăn có nguy cơ nhiễm giun sán cao

Những ngày qua, thông tin bữa ăn trong trường học ở Bắc Ninh cung cấp thịt lợn gạo truyền nhiễm sán cho người khiến phụ huynh hoang mang, ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm. Đây được xem là cuộc xét nghiệm tìm sán lợn lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Cũng chính từ cuộc xét nghiệm này, nhiều người tiêu dùng bỗng chốc lo lắng trước tình trạng nhiễm sán từ thịt lợn và nhiều món ăn khác. 

Theo đó, bệnh sán dây, ấu trùng sán dây lợn còn gọi là bệnh sán dải lợn, phân bố ở tất cả vùng miền. Người bệnh có thể mắc ấu trùng sán lợn hoặc sán trưởng thành ở ruột nếu ăn, nuốt phải trứng, nang ấu trùng sán lợn. Nguyên nhân mắc bệnh liên quan chủ yếu đến tập quán ăn uống, không đảm bảo vệ sinh như rửa tay trước khi ăn và không ăn chín uống sôi.

Trước tình hình con người bị nhiễm sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn)….

Đây cũng là những món ăn cần cẩn trọng để tránh nhiễm sán.

Tiết canh lợn

Đã có rất nhiều trường hợp tử vong do thói quen ăn tiết canh lợn. Theo Cục An toàn thực phẩm (VFA) nếu ăn phải tiết sống từ những con lợn bị bệnh rất nguy hiểm. Chẳng hạn nếu ăn tiết canh từ những con lợn gạo sẽ tăng nguy cơ mắc sán lợn cao. Bản chất hạt gạo trong con lợn là nang ấu trùng của sán. Khi ăn phải thịt lợn gạo nấu chưa chín, ăn tiết canh những con lợn này vào người, nang ấu trùng nở ra, phát triển trong cơ thể để trở thành sán dây trưởng thành và gây bệnh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng ăn tiết canh rất nguy hại sức khỏe bởi tiết canh bản chất máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh. Ông nhấn mạnh: "Ăn tiết canh từ con vật bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể gây tử vong”.

Ngoài ra còn nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của loài lợn có thể lây từ lợn ốm sang người qua phần thịt, lòng chưa nấu chín kỹ và máu tươi của con vật, trong đó có bệnh liên cầu lợn và bệnh giun xoắn đây là hai bệnh rất nặng, gây tử vong cao.

Thịt lợn, bò.. tái, sống

Theo Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân mắc bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn thường liên quan đến thói quen ăn uống không đảm bảo, và việc ăn thịt tái sống chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Sử dụng thịt tái sống rất dễ mắc nguy cơ nhiễm sán. Ảnh: Thu Hà

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM cho biết việc sử dụng các loại thịt tái sống có thể bị nhiễm khuẩn và các loại ký sinh trùng như giun, sán trong quá trình chăn nuôi, chế biến hoặc bảo quản không đảm bảo.

Theo bác sĩ, nếu chúng ta không nấu thịt chín kỹ thì vi khuẩn và các loại ký sinh trùng này có thể vào cơ thể con người, gây ngộ độc cấp tính hoặc nhiễm trùng mạn tính. Những ký sinh trùng sống ký sinh trong cơ thể người sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng và gây tổn thương niêm mạc ruột làm rối loạn tiêu hóa, thiếu dinh dưỡng và có thể thiếu máu mạn tính. Ấu trùng sinh ra từ các loại ký sinh trùng đường ruột có thể lưu thông trong máu đến các cơ quan khác như phổi, não, gan, mắt... và gây tổn thương các cơ quan này, có khi dẫn đến tử vong.

Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, cần chế biến chín kỹ trước khi ăn, tránh việc ăn tái sống.

Rau sống

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghê sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết rau sống tuy là món ăn ngon, mát, dễ ăn mà lại tốt cho sức khỏe, nhưng nó lại là thực phẩm rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng như ấu trùng sán lợn…

Rau sống bị tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi là mầm mống khiến cho ký sinh trùng sinh sôi và lây lan. Trong phân tưới rau có thể có ấu trùng sán. Khi người ăn rau sống, ấu trùng vào cơ thể và phát triển thành con sán. Ngoài ra, ăn rau sống còn có nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa khác như tiêu chảy, nhiễm giun hay kiết lị.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên: “Để loại bỏ trứng giun, sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng thuốc trừ sâu còn bám trên rau thì người tiêu dùng nên rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước sạch nhiều lần, sau đó ngâm nước muối hoặc dùng thiết bị sát trùng. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại giun, sán còn bám lại trên sau sống”. Ngoài ra người tiêu dùng nên hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán bởi chúng không đảm bảo vệ sinh.

Nem chua

Nem chua sống được làm từ da lợn, thịt lợn, đường, gia vị... rồi cho lên men lactic. Trong quá trình chế biến và bảo quản, nếu không bảo đảm được vô trùng, món này rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn do nhiều dụng cụ, nơi sản xuất, người chế biến... Thính và thịt nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm cũng rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại.

Nem chua là món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao. Ảnh: Internet

Ngoài ra, nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kỹ càng nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải nem được làm từ thịt lợn gạo.

 

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới