4 nhóm dấu hiệu cơ bản của vấn đề tâm lý tâm thần

(PLO)-  "Tâm lý tâm thần như món ăn, nếu ăn vừa ăn ngon thì cơ thể vui vẻ sảng khoái làm việc còn nếu ăn nhiều quá thì khó tiêu, bị chướng bụng dẫn đến không ăn ngủ hay đi làm được" - TS Phạm Toàn nêu ví dụ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-9, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, TS-BS Phạm Toàn, chuyên gia tham vấn trị liệu tâm thần đã có buổi ra mắt 3 cuốn sách Tâm bệnh học, Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần, Tâm lý học trẻ em và trò chuyện về sức khỏe tâm lý tâm thần cùng độc giả.

TS Phạm Toàn cho biết sức khỏe tinh thần và sức khỏe tâm thần là hai khái niệm khác nhau. Cơ thể có hai phần là tinh thần và thể xác, phần tinh thần bao quát tất cả hiện tượng tâm lý, tâm thần của con người.

Tiến sĩ Phạm Toàn trò chuyện về sức khỏe tâm lý tâm thần với khán giả. Ảnh: VÕ THƠ

Tiến sĩ Phạm Toàn trò chuyện về sức khỏe tâm lý tâm thần với khán giả. Ảnh: VÕ THƠ

Chia sẻ sâu hơn về biểu hiện của tâm lý tâm thần, TS Phạm Toàn cho biết có hơn 300 loại tâm lý tâm thần khác nhau, trong đó biểu hiện cơ bản qua nhóm 4 dấu hiệu sau.

Biểu hiện đầu tiên là đau buồn, đi làm hay về nhà ủ rũ không rõ nguyên nhân.

Thứ hai là suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng, mặc dù họ vẫn học tập sinh hoạt bình thường.

Thứ ba là mất năng lực, ăn xong lại nằm ngủ li bì hoặc không muốn làm gì, cơ thể suy nhược.

Thứ tư là dễ hủy hoại thân mình, xâm phạm cơ thể của người khác như đánh nhau, giết người…

"Tâm lý tâm thần như món ăn, nếu ăn vừa ăn ngon thì cơ thể vui vẻ sảng khoái làm việc còn nếu ăn nhiều quá thì khó tiêu, bị chướng bụng dẫn đến không ăn ngủ hay đi làm được" - TS Phạm Toàn nêu ví dụ.

Theo TS Phạm Toàn, nguyên nhân của vấn đề tâm lý tâm thần thường do bẩm sinh di truyền hoặc từ tác động bên ngoài. Ví dụ, tâm thần phân liệt có tính di truyền rất lớn. Nếu cha hay mẹ có gen về tâm thần phân liệt (ảo giác, hoang tưởng) thì 13% con cái sinh ra sẽ mắc bệnh. Nếu con cái có cả cha mẹ đều bị thì 46% con cái sẽ mắc phải, hai anh em sinh đôi cùng trứng thì tỉ lệ lên 48%. Nếu vấn đề tâm lý tâm thần xuất phát từ bẩm sinh thường khó điều trị và tốn nhiều thời gian hơn.

Tác động từ bên ngoài có thể do hoàn cảnh gây nên, chẳng người thân mất do dịch COVID-19 khiến họ buồn và dẫn tới trầm cảm. Hoặc, họ lo sợ bị nhiễm COVID-19, trong gia đình có người bị nhiễm, công việc phá sản khiến họ lo lắng, trầm cảm, suy nhược tinh thần thậm chí tuyệt vọng và tự tử.

Tiến sĩ Phạm Toàn ký sách tặng bạn đọc.Ảnh: VÕ THƠ
Tiến sĩ Phạm Toàn ký sách tặng bạn đọc.Ảnh: VÕ THƠ

Theo TS Phạm Toàn, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nhưng chưa được chú trọng.

"Khi quay lại Việt Nam, tôi có đi dạo các thư viện và nhận thấy ở Việt Nam có rất ít sách viết về tâm lý tâm thần, đặc biệt về trẻ em. Trong khi đó, trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên chính là đối tượng tâm lý dễ bị tác động. Việc phổ biến kiến thức cho phụ huynh, nhà trường về sức khỏe tâm lý tâm thần là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên vì vướng rào cản tâm lý e ngại khi nghe đến bệnh tâm lý tâm thần nên nhiều người đã bỏ qua. Chính vì thế đã không phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến bệnh ngày càng nghiêm trọng" - TS Phạm Toàn cho hay.

Theo TS Phạm Toàn, các vấn đề tâm thần có thể điều trị bằng thuốc an thần, hỗ trợ ăn, ngủ ngon và điều trị bằng tâm lý trị liệu. Cả hai phương pháp này đều rất lâu dài, cần sự kiên trì của gia đình và sự hợp tác từ bệnh nhân cùng kinh nghiệm dày dặn của chuyên gia.

"Do đó, để cơ thể khỏe mạnh mỗi con người cần phải đầu tư quan tâm cả về thể chất lẫn tinh thần. Hy vọng nhà nước, chính quyền cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này hơn và có những chính sách phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý tâm thần" - TS Phạm Toàn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm