4 quy định mới về kinh tế có hiệu lực từ đầu tháng 8

(PLO)- Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... là những quy định mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

Từ ngày 1-8 tới đây, một số quy định mới về kinh tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành.

Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi

Thông tư 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực từ 1-8; thay thế Thông tư 04/2011 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thông tư, trường hợp khách hàng rút toàn bộ tiền gửi trước hạn thì áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng.

Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn. Đối với phần tiền gửi còn lại được ngân hàng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng.

Như vậy so với hiện hành, Thông tư 04/2022 đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi. Điều này cũng giúp khách hàng bớt thiệt thòi hơn khi có nhu cầu rút một phần tiền gửi trước thời hạn.

Ngoài ra Thông tư 04/2022 cũng quy định rõ có bốn hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Thuê bao mới phải xác thực cơ sở dữ liệu dân cư

Theo Thông báo 174/2022 của Văn phòng Chính phủ, từ 1-8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM “rác”.

Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới. Đồng thời thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao. Việc này phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Các doanh nghiệp viễn thông di động phải bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phí cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài

Thông tư 39/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 121/2021 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 8-8.

Theo đó, Thông tư quy định phí thẩm định cấp, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 150 triệu đồng. Phí thẩm định cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 5 triệu đồng.

Sau khi thẩm định doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định theo quy định, các loại phí trên là khoản thu thuộc ngân sách trung ương.

Doanh nghiệp chỉ được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi đã nộp phí vào ngân sách nhà nước.

Cũng theo quy định tại thông tư, doanh nghiệp được quyền tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước theo nhu cầu quản lý. Tối thiểu năm ngày làm việc trước thời điểm tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản với Sở Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý tại địa phương để theo dõi, quản lý. Trường hợp có thay đổi về thời điểm tiếp tục sử dụng đồng tiền quy ước trở lại, doanh nghiệp phải thông báo lại bằng văn bản cho các cơ quan này.

Bổ sung thêm hai lĩnh vực giám định trong tư pháp

Thông tư số 40/2022 do Bộ Tài chính ban hành quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm tám trường hợp. Cụ thể là giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về tài sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

So với Thông tư 138/2013 hiện hành, Thông tư số 40/2022 đã bổ sung hai lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

Thông tư 40/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8 và thay thế Thông tư 138/2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới