Thông tin trên được Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) cho biết vào ngày 26-5. Theo đó, Việt Nam có bốn sáng kiến được lựa chọn từ các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Dự án của ĐH Bách khoa Hà Nội là phối hợp cùng BV Bạch Mai (Hà Nội) phát minh xe cáng cách ly áp lực âm, giúp cộng đồng và nhân viên y tế tránh được các nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển bệnh nhân (BN) COVID-19.
Còn ĐH Đà Nẵng tham gia sản xuất thiết bị y tế là robot BK-AntiCovid phục vụ BN trong các khu cách ly COVID-19, hạn chế lây nhiễm chéo giữa BN và nhân viên y tế.
Nhiệm vụ chính của robot BK-AntiCovid là vận chuyển thức ăn, đồ dùng, thuốc men vào khu vực cách ly. Sản phẩm được sáng chế bởi nhóm giảng viên và sinh viên Khoa cơ khí theo đơn đặt hàng của BV Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng. Robot này đã được đưa vào sử dụng tại các bệnh viện của Đà Nẵng vào tháng 3.
ĐH Kiến trúc TP.HCM đề xuất sáng kiến hộp đặt nội khí quản có thể gấp gọn. Các hộp này giúp ngăn chặn lây nhiễm virus qua khí dung và đường giọt bắn trong không khí, từ đó có thể bảo vệ các bác sĩ khỏi rủi ro khi thực hiện đặt nội khí quản cho BN.
Do ưu thế gấp gọn nên sản phẩm rất thuận tiện cho việc vận chuyển tới những bệnh viện vùng sâu, vùng xa. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại một số bệnh viện Việt Nam và nhận được những phản hồi tích cực. Nhóm nghiên cứu mong muốn có thể phát triển sản phẩm ở quy mô quốc gia và quốc tế.
Trong khi ba dự án nói trên đều là phát triển các thiết bị y tế hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thì sáng kiến của ĐH Quốc gia TP.HCM lại cho phép các phòng thí nghiệm phát triển các bộ kit xét nghiệm COVID-19 giá rẻ, ra kết quả nhanh và chính xác nhờ công nghệ protein tái tổ hợp. Dự án đã được ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp triển khai cùng một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Bốn dự án này của Việt Nam được lựa chọn trong số 2.000 hồ sơ từ 79 quốc gia trên thế giới gửi về trong khuôn khổ Quỹ hỗ trợ quốc tế nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF).