Các bí kíp võ công tuyệt thế không chỉ là khát khao, mơ ước của người trong giang hồ mà còn là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tàn khốc trong thế giới kiếm hiệp. Dưới đây là bốn môn võ công được xếp ở “top” ấn tượng nhất trong các tiểu thuyết của đại hiệp Kim Dung.
* * *
1. Hàng Long Thập Bát Chưởng - môn võ nổi tiếng nhất
Hàng Long Thập Bát Chưởng (18 chưởng hàng phục rồng), là một trong hai trấn bang chi bảo của Cái Bang. Chỉ bang chủ hoặc trưởng lão có địa vị rất cao mới được luyện và Quách Tĩnh là ngoại lệ duy nhất.
Ngoài sự uy mãnh vô song, môn võ này nổi tiếng vì… được xuất hiện nhiều nhất trong các tiểu thuyết Kim Dung. Ngay từ bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ, Hàng Long Thập Bát Chưởng đã uy chấn giang hồ cùng với tiếng tăm lừng lẫy của đại hiệp Tiêu Phong.
Môn võ này tiếp tục gây tiếng vang trong “serie” Xạ Điêu Tam Bộ Khúc gồm: Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ và Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ, Hồng Thất Công là người lĩnh hội được hết nét tinh hoa của Hàng Long Thập Bát Chưởng. Sau đó, Quách Tĩnh là truyền nhân tiếp theo phát huy chưởng pháp này lên đỉnh cao.
Tới Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Hàng Long Thập Bát Chưởng được nhắc tới lần nữa khi bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long chỉ học được 12 chiêu thì bị Trần Hữu Lượng ám toán. Tới đây, bộ chưởng pháp này xem như thất truyền (dù có phiên bản cho rằng sau đó Chu Chỉ Nhược tìm thấy bí kíp trong Ỷ Thiên Kiếm rồi cho Tống Thanh Thư luyện. Khi Thanh Thư chết, môn võ này mới hoàn toàn biến mất).
2. Đả Cẩu Bổng Pháp - môn võ có tên gọi ấn tượng nhất
Tuyệt kỹ còn lại của Cái Bang chính là Đả Cẩu Bổng Pháp (dùng gậy để đánh chó). Môn võ này chỉ độc truyền cho bang chủ Cái Bang từ đời này qua đời khác. Chỉ có hai người không phải bang chủ Cái Bang được Kim Dung ưu ái cho học là Hư Trúc và Dương Quá.
Đả Cẩu Bổng Pháp là một loại côn pháp chí cao, có tổng cộng 36 chiêu thức. Mỗi chiêu thức lại có cách biến hóa khác nhau tạo thành vô số chiêu thức vi diệu khác. Cái cốt chính của Đả Cẩu Bổng Pháp là thi triển theo lối “tứ lạng bạt thiên cân” (bốn lạng địch ngàn cân). Cho nên dù đối thủ mạnh cỡ nào, dùng binh khí gì đi nữa thì Đả Cẩu Bổng Pháp cũng cân được hết.
Kim Dung còn xây dựng hình tượng cây gậy đánh chó thành biểu tượng trấn bang của Cái Bang với tên gọi Đả Cẩu Bổng. Đệ tử Cái Bang thấy Đả Cẩu Bổng cũng như thấy bang chủ. Tương truyền Đả Cẩu Bổng kết hợp với Đả Cẩu Bổng Pháp thì sức mạnh được nhân lên gấp bội.
3. Càn Khôn Đại Na (Nã) Di - môn võ tốn thời gian học nhất
Những ai yêu tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung chắc chắn sẽ biết đến trận chiến kinh thiên động địa trên đỉnh Quang Minh trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Trận này kịch tính, hấp dẫn bởi hầu hết cao thủ của lục đại môn phái đều có mặt để tiêu diệt Minh Giáo. Vậy mà một mình Trương Vô Kỵ lại cân được hết cả sáu phái mới ghê gớm làm sao. Con át chủ bài của Trương Vô Kỵ chính là Càn Khôn Đại Na Di.
Tuyệt kỹ võ công này có bảy tầng và không hề dễ “nuốt” chút nào. Người thông minh phải mất bảy năm mới luyện được tầng một, người bình thường cần đến 14 năm. Cho nên có người tới già cũng chưa luyện đến tầng thứ ba. Sở dĩ Trương Vô Kỵ chỉ mất một thời gian rất ngắn để luyện đến tầng thứ sáu là bởi vì anh chàng trước đó đã luyện được Cửu Dương Chân Kinh.
Bản chất môn công phu này là một phương pháp làm thế nào phát huy tối đa tiềm lực trong cơ thể của con người, sau đó mới lôi kéo (na di) kình lực của đối phương, đạt đến chỗ tối thượng của tinh thần “tứ lạng bạt thiên cân”.
Trong trận chiến Quang Minh đỉnh, nhờ có Càn Khôn Đại Na Di mà Vô Kỵ lần lượt đánh bại cao thủ Thiếu Lâm, Nga My, Hoa Sơn…, giải cứu Minh Giáo khỏi họa diệt vong. Do thời gian luyện tập quá lâu nên sau Vô Kỵ không còn ai luyện được môn võ công này nữa. Quang Minh tả sứ Dương Tiêu cũng chỉ học được một ít.
4. Quỳ Hoa Bảo Điển - môn võ kỳ dị nhất
Đây là môn võ công quái dị và cực kỳ lợi hại, rất nhiều người ham muốn chiếm đoạt nhưng khi luyện thì cái giá phải trả rất đắt.
Để luyện Quỳ Hoa Bảo Điển, người nam phải “dẫn đao tự cung” (tự cắt của quý). Vì đây là loại võ công mang tính dương tà, khi luyện hơi nóng sẽ bốc lên ngùn ngụt nên phải tự cung để tránh tẩu hỏa nhập ma. Luyện một thời gian thì râu tự rụng, giọng nói biến chuyển như nữ nhi, càng luyện lâu cơ thể càng biến đổi.
Chính vì môn võ này đòi hỏi phải hy sinh lớn đến vậy nên Kim Dung chưa bao giờ cho các nhân vật chính của mình luyện cả. Người luyện Quỳ Hoa Bảo Điển nổi tiếng nhất là Đông Phương Bất Bại (trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ). Sau khi luyện thành công, Đông Phương Bất Bại không có đối thủ. Tuy nhiên, người này không còn là đấng nam nhi hùng tài đại lược, đầy tham vọng như xưa mà lại ăn mặc và trang điểm như phụ nữ, cuối cùng chết vì… mê trai.
Chỉ tiếc là Kim Dung không nói rõ sau khi luyện thành công Quỳ Hoa Bảo Điển, người đàn ông có hoàn toàn trở thành phụ nữ hay không. Trong khi môn võ này cũng đã thất truyền nên chúng ta chỉ biết mà không rõ...
* * *
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc môn võ công nào lợi hại nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Chắc sẽ khó có câu trả lời, hay nói đúng hơn là không có câu trả lời. Trong tiểu thuyết Kim Dung, chỉ có người thắng người chứ không có võ công thắng võ công.
Đặc điểm chung trong tiểu thuyết Kim Dung là những người có tâm, có đức thường có duyên với các bí kíp võ học đệ nhất thiên hạ. Và nếu ai lĩnh hội được triết lý nhân sinh của môn võ thì cuối cùng trở thành người vừa có tài vừa đức độ, vang danh giang hồ.