Trên thế giới có vô số những vụ “pháp đình kỳ cục truyện”. Tòa án có khi phải đau đầu để giải quyết những vụ kiện tưởng chừng chỉ là những câu chuyện phiếm của “bác Ba Phi”. Dưới đây là một số vụ kiện lạ lùng mà tòa án ở Đức phải thụ lý giải quyết.
1. Thầy bói kiện đòi tiền thù lao
Một người dân gần Stuttgart (thuộc bang Baden-Württemberg) đã đến gặp một thầy bói bài Tây. Hai người đã có thỏa thuận về thù lao. Sau khi trả cho thầy bói hơn 35.000 euro (khoảng 1 tỷ đồng), người này còn nợ thầy bói 6.700 euro (khoảng 190 triệu đồng). Đòi hoài không được, thầy bói kiện lên Tòa Landgericht Stuttgart. Tuy nhiên, vụ việc không thể giải quyết vì tòa chưa thể xác định thỏa thuận bói toán có được xem là một thỏa thuận vi phạm thuần phong mỹ tục và có giá trị pháp lý hay không. Vụ kiện chưa có tiền lệ được chuyển lên Tòa án Bundesgerichtshof (BGH).
Sau khi xem xét tính chất của thỏa thuận, Tòa BGH đã xử thầy bói thắng. Tòa phán quyết rằng xét về mặt lý trí, việc bói bài Tây để tiên đoán vận mệnh là hoàn toàn không thể. Tuy nhiên, thầy bói vẫn được hưởng thù lao bởi vì thỏa thuận giữa hai người hoàn toàn tự nguyện, thoả thuận đó không vi phạm tập quán, đạo đức dù có gây tranh cãi.
2. Kiện đòi bồi thường vì dùng ảnh con bò
Chuyện thật tưởng như đùa khi một nông dân ở Lindlar (bang Nordrhein-Westfalen) đâm đơn kiện một website. Theo đó, website này đăng hình ảnh quảng cáo về buổi tiệc Kuh- Charity-Party (Tiệc từ thiện cứu bò), trong đó có sử dụng hình ảnh một chú bê của người nông dân đang nuôi, có tên là Anita.
Người nông dân đâm đơn kiện, đòi website này bồi thường 2.000 euro (khoảng 57 triệu đồng) vì vi phạm quyền sở hữu con bê. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận đòi hỏi này. Tòa giải thích việc đăng bức ảnh không ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu con bê. Bản thân con bê Anita cũng không chịu thiệt hại gì khi bị chụp và đưa ảnh lên mạng. Quyền riêng tư của chủ con bê cũng không bị xâm phạm từ vụ đăng hình ảnh này.
3. Kiện đòi tiền trợ cấp cho chó
Một người phụ nữ độc thân ở Dessau (thuộc bang Sachsen-Anhalt) sống cùng với con cái đã được cấp tiền trợ cấp cơ bản lẫn tiền thuê nhà cho cả gia đình. Tuy nhiên, trong đơn gửi lên cơ quan trợ cấp, người phụ nữ này còn xin thêm trợ cấp tiền nhà và tiền lò sưởi cho con chó cảnh của bà, vì theo bà chó cũng là thành viên trong gia đình.
Cơ quan xem xét trợ cấp đã từ chối yêu cầu của bà, sau đó người phụ nữ này đâm đơn kiện ra tòa. Tòa án xã hội Sozialgericht Dessau đã tuyên án, đứng về phía cơ quan trợ cấp. Cụ thể, tòa phán: Việc trợ cấp tiền nhà được tính theo phương pháp cân nhắc dựa theo số người cùng chung sống trong nhà. Văn bản luật chưa bao giờ đề cập đến việc phải tính cả loài thú bốn chân (như chó) vào số lượng thành viên gia đình.
4. Kiện hãng đường sắt vì nhà vệ sinh hỏng
Sau gần hai giờ đồng hồ ngồi trên chuyến tàu từ Koblenz đến Trier (thuộc bang Rheinland-Pfalz), một người phụ nữ không thể nhịn được nữa nên đã… tiểu ra quần. Người phụ nữ này đã đâm đơn kiện hãng đường sắt Deutsche Bahn AG. Ở phiên sơ thẩm, tòa án địa phương Trier đã đứng về phía nguyên đơn, tuyên án: Hãng đường sắt phải đền bù cho nguyên đơn 200 euro (khoảng 5,7 triệu đồng) tiền “đau đớn” (schmerzensgeld) cho nguyên đơn. Tòa cho rằng hãng đường sắt vi phạm trách nhiệm khi nhà vệ sinh trên tàu bị hỏng.
Không đồng tình, hãng đường sắt kháng cáo lên Tòa án tiểu bang Landgericht. Ở phiên phúc thẩm, bị đơn đã thắng kiện. Theo tòa phúc thẩm, loại tàu regionalbahn (tàu chạy trong cự ly ngắn ở nội bộ địa phương) không nhất thiết phải có nhà vệ sinh. Ngoài ra, từ Koblenz đến Trier có đến 30 trạm dừng nhưng người phụ nữ nói trên không xuống đi vệ sinh, vậy nên nguyên đơn phải tự chịu trách nhiệm.
5. Trung tâm việc làm thua vụ kiện 15 cent
Hai người dân ở Nordhausen (thuộc bang Thüringen) đã đâm đơn kiện trung tâm việc làm Jobcenter Unstrut-Hainich-Kreis, yêu cầu trung tâm này phải trả 15 cent (khoảng 4.500 đồng) tiền trợ cấp xã hội bị thiếu hụt. Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án xã hội Nordhausen đã tuyên nguyên đơn thắng kiện.
Cứ tưởng số tiền bé tẹo được trả cho xong, nhưng bị đơn đã kháng cáo. Trong phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án xã hội tiểu bang Thüringen, trung tâm này tiếp tục thất bại. Điểm gây tranh cãi trong vụ án này là tiền trợ cấp có cần được làm tròn hay không. Theo quy định pháp luật, số tiền từ 50 cent trở lên sẽ được làm tròn thành 1 euro nhưng trung tâm việc làm đã không thực hiện. Như vậy, ngoài việc phải trả tiền cho nguyên đơn, bị đơn còn chịu phạt số tiền 600 euro (khoảng 17 triệu đồng) phí tòa án, do đã lạm dụng kiện tụng khi lỗi rất rõ ràng, dù tố tụng ở tòa án xã hội thường không mất phí.
6. Đòi bảo hiểm trả tai nạn lao động khi bị mèo cắn
Một con mèo bị viêm phổi, cần được tiêm thuốc chữa bệnh. Bác sĩ thú y đề nghị người chủ mèo giữ đầu của con mèo để tiêm. Tuy nhiên, con mèo đã cắn bàn tay trái của chủ. Vết cắn quá nặng khiến người chủ phải làm tiểu phẫu và vào bệnh viện điều trị mất một tuần. Bảo hiểm tai nạn nhà nước không công nhận đây là tai nạn lao động.
Người chủ con mèo kiện ra tòa. Tòa án xã hội Sozialgericht tại Lüneburg (thuộc bang Niedersachsen) đứng về phía công ty bảo hiểm. Theo phán quyết, người chủ nhận giúp đỡ bác sĩ thú y để giữ vật nuôi của chính mình khi khám bệnh và bị chính con thú đó cắn. Như vậy, nguyên đơn không phải hành nghề phụ tá trong phòng khám thú y mà chỉ là người thay thế phụ tá để lo cho sức khỏe thú nuôi của chính mình, vì lợi ích riêng của mình. Như vậy, không thể xem đây là tai nạn lao động để đòi bồi thường.
7. Kiện đòi bồi thường vì ngã do chó sủa
Một thanh niên ở thị trấn Coburg (thuộc bang Beyern) bị ngã xe đạp do bị một chú chó sủa hù dọa. Tai nạn xảy ra khi nguyên đơn đi xe đạp ngang qua một người đàn ông dắt chó đi dạo. Con chó gầm gừ rồi nhảy chồm lên. Người chủ của con chó vẫn giữ chặt dây trói, nhưng cậu thanh niên đã hoảng sợ và ngã. Anh ấy bị thương ở mặt, tay và răng. Anh chàng đâm đơn kiện ra Tòa án Coburg, yêu cầu người chủ bồi thường 1.800 euro (khoảng 51 triệu đồng) tiền đau đớn (schmerzensgeld).
Tòa án Coburg phán rằng: Chú chó chỉ sủa chứ nó không cắn. Tòa án ngạc nhiên khi thấy chú chó không hề to hay nguy hiểm, trong khi cậu thanh niên thì cao lớn. Vì vậy, phản ứng sợ hãi của nguyên đơn là chưa chính đáng. Ngoài ra, người chủ cũng đã hành xử có trách nhiệm, luôn theo sát vật nuôi và không để nó tuột khỏi dây.