Trong các tác phẩm kinh điển của mình, Kim Dung đã xây dựng nhiều mối tình không giống ai, mà trong các tác giả viết truyện kiếm hiệp cùng thời cũng không ai giống nổi. Đó có thể là “phi công - bà già” Dương Quá - Tiểu Long Nữ; là mối tình đồng tính Đông Phương Bất Bại - Dương Liên Đình; hoặc chuyện tình tay năm Trương Vô Kỵ - Triệu Mẫn - Chu Chỉ Nhược - Tiểu Chiêu - Ân Ly… Trong đó, mối tình vượt không gian, xuyên thời gian và đầy nghiệt ngã của Chu Bá Thông và Anh Cô tuy không được Kim Dung khắc họa nhiều, song lại được các fan truyện kiếm hiệp của ông yêu thích, ngưỡng mộ.
* * *
Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, xuất hiện trong hai tác phẩm Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp, được xem là nhân vật thú vị nhất nhì trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Lão thích rong chơi, lúc nào cũng cười, dường như chẳng biết bi ai hay vướng bận điều gì. Tuy có vẻ điên điên nhưng thực ra lão khôn không tưởng, lại rất nghĩa khí, phân biệt rạch ròi chánh tà.
Luận về thân thế và võ công thì lão Ngoan Đồng đúng là “không phải dạng vừa đâu”. Về võ công, xem ra trong thiên hạ không mấy người xứng là địch thủ của lão. Ngoài nội công thâm hậu của phái Toàn Chân, lão luyện được Cửu âm chân kinh, rồi còn sáng tác ra Không minh quyền, Song thủ hổ bác.
Song thủ hổ bác là loại võ công kỳ dị, hai tay có thể cùng lúc sử dụng hai loại võ công khác nhau, giống như một người phân thân thành hai người vậy. Lão Ngoan Đồng có thể ung dung hai tay cầm hai cái que dài vẽ cùng một lúc ra một vòng tròn, một hình vuông. Đương thời chỉ có hai người nữa có thể làm được như vậy là Quách Tĩnh và Tiểu Long Nữ, nhưng cũng đều do một tay lão đào tạo ra. Sở dĩ ba người có thể vẽ được như vậy không phải nhờ vào võ công cái thế, mà vì trong tâm của họ chẳng hề có tà, cũng chẳng vụ lợi chuyện thế gian.
Còn thân thế của lão cũng chẳng mấy người bì được. Lão đường đường là sư đệ của Vương Trùng Dương - người đứng đầu phái Toàn Chân, là thiên hạ đệ nhất nhân đương thời. Toàn Chân thất tử của Trùng Dương cung được người đời kính nể là thế nhưng gặp lão đều phải cúi đầu gọi sư thúc.
* * *
Ấy thế mà chẳng ngờ trong cái bộ dạng không giống ai ấy, lão lại có một mối tình oan trái với Anh Cô, vương phi của hoàng đế Đại Lý.
Chuyện bắt đầu từ sau kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu. Chu Bá Thông theo Vương Trùng Dương sang Đại Lý gặp Nam đế Đoàn Trí Hưng đ? b?n ể bàn cách chế ngự Tây độc Âu Dương Phong. Trong thời gian ở Đại Lý, Chu Bá Thông làm quen với Anh Cô (Lưu Anh). Tại đây Chu Bá Thông có vô tình rắc chút “thính” khi dạy Anh Cô tuyệt chiêu điểm huyệt. Mến tính tình vô tư, hồn nhiên của lão, lại cứ bị lão “chọt chọt” điểm huyệt hoài nên sau cùng Anh Cô dính “thính”. Trong lúc sư huynh Vương Trùng Dương và hoàng đế Đoàn Trí Hưng bận trau dồi võ công thì Chu Bá Thông, Anh Cô tranh thủ thả thính qua lại mỗi ngày. Mọi chuyện cuối cùng vỡ lở, hậu quả thì ai cũng biết: Anh Cô sinh con, còn Chu Bá Thông bị sư huynh trách mắng, sợ hãi bỏ đi và từ đó không bao giờ dám nhìn mặt Nam đế. Hình như lão điên thêm từ đó…
Bi kịch hơn, đứa bé vô duyên vô cớ bị Cừu Thiên Nhận đột nhập vào phòng đánh một chưởng. Nguyên nhân do Cừu Thiên Nhận tưởng đó là con của Đoàn Trí Hưng nên ra tay nhằm buộc Nam đế phải cứu đứa bé, sẽ suy giảm công lực. Dù Anh Cô hết lời cầu xin Đoàn Trí Hưng cứu con mình, nhưng do đang uất ức vì bị cắm cái sừng to như sừng trâu nên Nam đế ghim hận không cứu. Anh Cô nuốt hận, chỉ một đêm tóc đen chuyển bạc phơ và liêu xiêu rời kinh thành với lời thề một ngày nào đó sẽ chính tay hạ sát Đoàn Trí Hưng. Bà trở nên khùng khùng từ đấy.
Mối nghiệt duyên tưởng chừng chấm dứt tại đây, nhưng không, mối quan hệ tiếp theo của lão Ngoan Đồng và Anh Cô đúng kiểu “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”. Lão chạy trốn Anh Cô, còn Anh Cô thì ngày đêm tìm lão trong vô vọng…
* * *
Tính ra Chu Bá Thông lúc bấy giờ là người đàn ông duy nhất trên đời làm vợ người khác có con nhưng vẫn hồn nhiên tưởng đó là chuyện bình thường, không trái luân thường đạo lý. Mà chắc lão tưởng bình thường thật, vì nếu biết điều đó là sai trái thì có chết lão cũng không làm. Chính sự hồn nhiên này làm cho lão trở thành kẻ ăn ốc nhưng không dám đổ vỏ. Ngay cả khi Đoàn Trí Hưng bắt phải cưới Anh Cô, lão cũng không chịu, nhất quyết bỏ đi. Bởi con người lão là vậy, lúc làm sai thì không biết, lúc cần làm đúng thì lại cho là sai.
Nhưng thực chất lão Ngoan Đồng không hề quên Anh Cô, chỉ là nhớ nhung theo cách của lão. Bằng chứng là có một lần lão tỏ ra kinh nghiệm đầy mình để bày cách tán gái cho Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), lão bảo: “Nhớ lại năm xưa, ta chỉ bất quá... Ờ, chuyện đó cũng không cần nói nữa, nhưng nói tóm lại là nếu có nữ nhân lằng nhằng theo ngươi, ngươi luyện võ công không được cố nhiên là không hay nhưng lại còn đối xử không tốt với bạn bè, đắc tội với ca ca, vả lại ngươi còn không quên được y thị, không biết bây giờ y thị…”.
Tóm lại, cái kinh nghiệm quý báu lão muốn dạy Quách Tĩnh là “không nên thấy mặt đàn bà, càng không nên chạm vào người họ. Ngươi dạy y thị công phu điểm huyệt, để y thị mò huyệt đạo trên khắp người ngươi, đó lại càng mắc lừa…”.
Ngay cả khi trúng độc sắp chết tới nơi (trong Thần điêu đại hiệp), lão cũng lầm bầm đọc bài thơ “Cỏ bích la xuân”. Đây là bài thơ thêu cạnh đôi uyên ương trên chiếc khăn gấm Anh Cô tặng lão. Sau này bài thơ trở thành thương hiệu mỗi khi fan Kim Dung nhắc đến mối tình của cặp đôi này.
Bốn khung cửi dệt uyên ương
Muốn chắp cánh bay
Đáng thương chưa già tóc đã bạc
Cỏ bích la xuân biết nơi giá lạnh
Áo đỏ thắm cùng ai
Suy cho cùng, mối tình của lão Ngoan Đồng và Anh Cô là mối tình của hai kẻ có cùng tâm tư, cùng sở thích. Kim Dung xây dựng hai nhân vật này đều rất ham mê luyện võ, thích nghiên cứu những chiêu thức mới. Hai kẻ có cùng tâm tư, sở thích, rồi một ngày hữu duyên hạnh ngộ mới sinh tình. Như lời đại sư Nhất Đăng (pháp hiệu của Đoàn Trí Hưng sau khi đi tu) phân tích: “Một người dạy, một người học, Chu sư huynh huyết khí phương cương, Lưu quý phi cũng đang trẻ tuổi, hai người da thịt đụng chạm nhau, lâu ngày sinh tình, rốt lại gây ra một trận ầm ĩ không sao thu xếp được…”.
Nhưng đây đúng là mối tình trái luân thường đạo lý. Vì vậy họ cũng trả giá bằng sự giày vò suốt bao năm trời. Chu Bá Thông lúc nào cũng phải chạy trốn mối tình không thuộc về mình và chạy trốn cả chính mình. Còn Anh Cô chưa già tóc đã bạc, cả đời đau xót vì mất con, rồi nửa đời vô vọng tìm kiếm người trong mộng.
Đáng tiếc, dù chẳng có trở ngại gì ngăn cản nhưng họ lại dùng cả tuổi thanh xuân để “chơi trốn tìm”, để trừng phạt chính mình và chìm đắm trong hận thù. Cho đến khi họ đối diện được với tất cả, tới được với nhau thì 30 năm xuân thì đã qua như một cơn gió. Kim Dung cuối cùng cũng cho người điên kẻ khùng tái ngộ, một cái kết có hậu của hai kẻ đầu bạc!