Mới đây, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.
Văn bản nêu rõ, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị.
Ngộ độc do món ăn trước cổng trường, quán cơm
Trong tháng 3-2024, đã xảy ra một vụ ngộ độc tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, phường Xương Huân, TP Nha Trang. Có tổng cộng 10 em học sinh nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi mua các món ăn từ trước cổng trường.
Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc xảy ra ở quán cơm trên đường Bà Triệu, TP Nha Trang làm 369 người nhập viện. Vụ việc được xác định liên quan bữa ăn vào các ngày 11 và 12-3 của quán Trâm Anh, gồm có các món cơm, gà xé, gà nướng, mắm, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh.
Kết quả xét nghiệm mẫu lấy tại quán cơm gà Trâm Anh và tại nhà các bệnh nhân của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy ba vi khuẩn, gồm Salmonella spp, Bacillus cereus và Staphylococcus aureus ở các món gà, sốt trứng, dưa chua... trong bữa ăn trưa, chiều ngày 11 và 12-3.
Vụ hơn 500 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai
Như PLO đã đưa tin, ngày 2-5, UBND TP Long Khánh (Đồng Nai) đã có báo cáo về vụ 222 người nhập viện vì nghi ngộ độc thức ăn sau khi ăn bánh mì.
Theo cơ quan chức năng, trước đó ngày 30-4 và 1-5, hàng trăm người có dấu hiệu ngộ độc, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì B (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh) phải nhập viện cấp cứu, điều trị.
Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Long Khánh chỉ đạo ngành y tế, công an thành phố vào cuộc điều tra, xử lý.
Theo báo cáo nhanh, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tính đến trưa ngày 3-5, các bệnh viện tại TP Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 473 ca nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh B (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).
Trong số 473 nghi ngộ độc hiện đang điều trị 345 ca, đã xuất viện 20 người và cấp toa thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà là 96 ca, phải chuyển viện 11 ca.
Ngày 7- 5, UBND TP Long Khánh (Đồng Nai) có văn bản chuyển nội dung vụ việc liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Long Khánh để tiếp tục điều tra làm rõ. Đến nay, qua quá trình làm việc với chủ hộ kinh doanh và kiểm tra bước đầu, cơ quan chức năng đã ghi nhận các hành vi vi phạm của chủ hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, theo quy định cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Y tế công cộng TP.HCM để chứng minh hành vi “bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm” của chủ cơ sở kinh doanh.
Nhưng xét thấy đến thời điểm hiện nay đã có 568 người ngộ độc đã khám và đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có những ca rất nặng và những ca là trẻ em, cơ quan chức năng xác định đây là vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vậy căn cứ quy định tại Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND TP Long Khánh chuyển các hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Long Khánh để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Đến chiều 7-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TP HCM thực hiện ghi nhận 16/29 mẫu dương tính đồng thời với hai chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli và 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TP HCM thực hiện ghi nhận: 4/8 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.
Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Tính đến ngày 14-5, chủ cơ sở tiệm bánh mì đã khắc phục thanh toán viện phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện với tổng số tiền hơn 583 triệu đồng.
Sáng 16-5, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết qua thống kê của Phòng Y tế thành phố, vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì khiến 554 người mắc, trong đó có 126 trẻ em.
Đến nay, tất cả các bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai đã xuất viện, chỉ còn 1 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với tình trạng tỉnh, hồi phục khá và 1 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tình trạng còn mê sâu, sinh hiệu ổn, vẫn đang lọc máu liên tục.
350 công nhân nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm
Tối 14-5, thông tin với PLO, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều công nhân nhập viện với triệu chứng nôn, đi ngoài, đau bụng, sốt... Trong đó, 5 người phải thở oxy.
Ngoài số công nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, một số khác được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Các công nhân nhập viện cấp cứu thuộc Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam có trụ sở tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên..
Thống kê sơ bộ của ngành y tế Vĩnh Phúc cho thấy các cơ sở y tế đã tiếp nhận hơn 350 trường hợp công nhân nghi ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 50 trường hợp, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên tiếp nhận 80 trường hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt tiếp nhận hơn 220 trường hợp.
Gần 100 công nhân nhập viện sau ăn bánh đa cua, nghi ngộ độc
Tối 15-5, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai), các y, bác sĩ đang tiếp nhận cấp cứu cho gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) sau khi ăn bánh đa cua.
Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, cho hay theo lời của những công nhân, sau ăn bánh đa cua vào buổi chiều tại công ty thì xuất hiện các biểu hiện nôn ói, đau bụng. Bước đầu nghi ngờ số công nhân trên bị ngộ độc thực phẩm.
Được biết, công ty có khoảng 1,2 ngàn công nhân. Có khoảng 500 người ăn cùng buổi chiều 15-5 nhưng có gần 100 người xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện.
Để tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp tăng cường kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Cạnh đó, chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu. Xử lý nghiêm (nếu có) vi phạm về an toàn thực phẩm.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm. Hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.