4 ý tưởng phát triển toàn diện sông Sài Gòn

(PLO)- Chuyên gia cho rằng sông Sài Gòn có tiềm năng rất lớn và TP.HCM cần xét kỹ về mặt nhu cầu
để phát triển ven sông hiệu quả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-1, Trung tâm TP đáng sống thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore (CLC) cùng Sở Du lịch TP.HCM, Sở QH-KT TP.HCM và một số đơn vị liên quan đã đi khảo sát dọc sông Sài Gòn. Đồng thời thảo luận về phát triển hành lang con sông này gắn với kinh tế dịch vụ ven sông, hướng biển.

Nhằm tìm hiểu kỹ hơn về đánh giá của chuyên gia Singapore về tiềm năng phát triển sông Sài Gòn, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Micheal Koh, chuyên gia thuộc trung tâm các TP đáng sống (CLC), thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND).

Ấn tượng về sự phát triển đô thị dọc sông

. Phóng viên: Sau khi đi khảo sát dọc sông Sài Gòn bằng cả du thuyền và buýt đường sông, đánh giá của ông như thế nào về sông Sài Gòn và tiềm năng phát triển của nó?

song-sai-gon.jpg

+ Ông Michael Koh: Tôi rất ấn tượng về cách phát triển rất nhanh của các đô thị dọc sông Sài Gòn. Tuy nhiên, việc phải băng qua con đường (Tôn Đức Thắng) để đến được khu bến Bạch Đằng và tới bờ sông là một trở ngại, khó khăn. Tôi có cảm giác đường giao thông này đang chia đôi cảnh quan bờ sông Sài Gòn và khu phố đi bộ bên trung tâm.

Qua một buổi đi khảo sát, tôi thấy sông Sài Gòn có nhiều cơ hội để phát triển. Nó có đặc trưng di sản và cả lịch sử, văn hóa đã có của TP.HCM, chúng ta cần phải duy trì điều này.

Dòng sông Sài Gòn như một linh hồn của TP, như một “con rồng xanh” và mọi người dân TP cần phải hiểu, yêu mến và có trách nhiệm đóng góp cho nó. Qua đó chúng ta có thể xây dựng hạ tầng và các hoạt động kinh tế ven sông cho tốt, dần dần sẽ hình thành đặc trưng đô thị ven sông.

. TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của TP, trong đó có đặt trọng tâm phát triển xoay quanh sông Sài Gòn. Vậy theo ông, TP cần cải thiện điều gì trước mắt để phát triển sông Sài Gòn (ví như chỉ cần chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng hay bờ Thủ Thiêm như TP đã làm thời gian qua?).

+ Đây là câu hỏi khó, với quan điểm cá nhân của tôi, sự tham gia công tư với các nhà đầu tư cần có sự xem xét kỹ về mặt nhu cầu để cho sự phát triển ven sông hiệu quả.

Thêm nữa, chúng ta phải nhìn nhận là nếu muốn phát triển thì cần kết nối cả hệ sinh thái chứ không chỉ một ngành, một đơn vị nào đó hay một hai dự án có thể làm được.

Như khu vực vịnh Marina Bay của Singapore, cần có kết nối việc làm, chức năng phức hợp, hạ tầng… mới có thể hình thành một khu vực thu hút như vậy.

P8_hinhbai.jpg
Chuyên gia đã chỉ ra bốn yếu tố quan trọng để phát triển ven sông Sài Gòn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Bốn vấn đề cần quan tâm

. Ông có thể gợi ý và đề xuất các ý tưởng về quy hoạch, phát triển cũng như khai thác ven sông Sài Gòn trong tương lai như thế nào, thưa ông?

+ Thứ nhất, phát triển sông Sài Gòn cần quan tâm đến đặc trưng, cá tính của mỗi khu vực sông đi qua, giống như sự hình thành phát triển của một con rồng. Singapore cũng tương tự như vậy. Chúng tôi cũng phải xử lý hạ tầng cho phù hợp để phát triển cảnh quan đặc trưng (như tượng đầu rồng ở vịnh Marina Bay).

Thứ hai, việc tái sử dụng khu vực cảng (như bài học ở BangKok) trở thành khu vực rất thú vị về du lịch, kinh tế địa phương (như khu cảng quận 4 có thể hình thành khu vực này) cũng cần được quan tâm. Hay như Pháp cũng cải tạo thư viện quốc gia (nằm bên bờ sông Seine), tái thiết thành các chuỗi trường ĐH, có khu đổi mới sáng tạo, có khu vườn ươm, khu phức hợp, dân cư tạo thành khu rất hấp dẫn.

P8_hinh2.jpg
Chuyên gia đã chỉ ra bốn yếu tố quan trọng để phát triển ven sông Sài Gòn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Thứ ba, vấn đề về nghệ thuật, văn hóa tạo nên cá tính của sông, sông Sài Gòn cũng có dấu ấn đặc biệt về văn hóa sông nước, dấu ấn phát triển công nghiệp từ xưa. Chúng ta phải tạo nên các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các nơi tạo điểm nhấn về lịch sử, tạo điểm đến về mặt du lịch để thu hút khách. TP cũng cần duy trì, bảo vệ đến tính nguyên gốc của cộng đồng dân cư có tính di sản tại các khu vực này.

Thứ tư, tính kết nối cũng rất quan trọng, xu hướng sinh thái có những kết nối hành làng xanh là rất quan trọng. TP.HCM cần quan tâm phát triển TP nước, TP có đặc trưng sông nước. Trước đây Singapore cũng có giai đoạn như vậy và hiện nay Singapore biến mặt sông, mặt kênh thành mặt tiền với giá trị cốt lõi sông nước.•

Trung tâm CLC là gì?

CLC - tên viết tắt của Trung tâm TP đáng sống thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore (centre for liveablecities, ministry of national development Singapore). Đây là trung tâm cung cấp một lăng kính để các nhà lãnh đạo TP có thể nhìn nhận TP của họ. Nghiên cứu của của trung tâm đã chắt lọc những nguyên tắc chính từ kinh nghiệm phát triển của Singapore và nhằm mục đích có các hướng dẫn hữu ích để phát triển các TP bền vững và đáng sống.

Trung tâm này làm việc với mạng lưới các đối tác địa phương và quốc tế có chung mối quan tâm trong việc phát triển các TP bền vững và đáng sống. Hỗ trợ trung tâm còn có một nhóm cố vấn, nghiên cứu sinh và chuyên gia cũng như 22 cơ quan chính quyền địa phương có liên quan.

Các chuyên gia trong nước nói gì?

TS kiến trúc sư NGUYỄN ANH TUẤN, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM:

Phát triển hub kinh tế mới ngay bên bờ sông Sài Gòn

Chúng ta có thể thấy ở đường Nguyễn Tất Thành có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Trường nhìn ngay ra cảng bến Nhà Rồng và quy hoạch nếu gắn khu này thành khu phức hợp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu thì rất hấp dẫn.

Nếu có thể thu hút các tập đoàn lớn về đây, nó sẽ tạo thành một hub về việc làm, kinh tế chia sẻ. TP.HCM có khu này là rất hay, chưa kể đến sau này du thuyền có thể cập bến ngay cảng quận 4, có thể đến ngay khu hub trường học này, tạo thành hub kinh tế mới ngay bên bờ sông Sài Gòn.

Buổi làm việc với các chuyên gia Singapore với các sở, ngành là để cố vấn cho chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn trong các quy hoạch, thiết kế. Đồng thời nêu kinh nghiệm thực tiễn của các nước về phát triển hành lang sông cũng như việc kích hoạt hệ sinh thái kinh tế dịch vụ dọc theo dòng sông này.

Ông NGUYỄN TRẦN HỮU THẮNG, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức, TP.HCM:

Đề xuất phát triển bến cảng du lịch

Sau khi đi khảo sát, chúng tôi đề xuất nên phát triển bến cảng du lịch tại phường Trường Thọ,TP Thủ Đức.

Thứ nhất, hiện trạng của khu vực này cảng hàng hóa trung chuyển nội địa nên độ sâu bến cảng và hạ tầng liên kết khá thuận lợi cho việc hình thành khu bến cảng, neo đậu đưa đón thuyền bè.

Thứ hai, ở vị trí này có nền tảng giao thông thuận lợi giữa đường sông và đường, đặc biệt đây cũng là nơi có view liên kết rất nhiều dự án đô thị lớn của TP Thủ Đức và TP.HCM.

Đồng thời, khu này nên có kết nối du lịch đường thủy như dịch vụ watertaxi, khu giải trí thể thao dưới nước, khu mua sắm và dịch vụ ăn uống…

Ông TRẦN NGỌC HOÀI ÂN, chuyên viên Sở Du lịch TP.HCM:

Đồng bộ hạ tầng phát triển du lịch đường thủy

Sở Du lịch TP cũng đã có kế hoạch (ban hành năm 2023) về phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn TP, trong đó có định hướng đồng bộ về cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch đường thủy, từng bước đưa du lịch đường thủy thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực.

Trên tuyến sông Sài Gòn nên cải thiện thêm về vấn đề vệ sinh môi trường nước, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước, các hoạt động trải nghiệm dưới nước.

Vừa qua, Sở Du lịch TP cũng có góp ý về cầu bộ hành bắc qua sông Sài Gòn (quận 1), cũng đồng thời lưu ý về tĩnh không của các cây cầu có ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại như cầu Trần Khánh Dư (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm