Theo những hình ảnh mà vệ tinh Google Earth chụp được, những cấu trúc đá này có hình như những cánh cửa kép, nằm rãi rác trên các vòm dung nham, khu vực nhiều núi lửa giữa sa mạc Harrat Khaybar, ở Saudi Arabia. Theo ước tính sơ bộ, những kết cấu đá này có thể rộng gấp 4 lần một sân bóng và các chuyên gia tin rằng, nó đã xuất hiện khoảng 7.000 năm trước.
Những cấu trúc đá hình cánh cửa đôi được tìm thấy trên nhiều miệng núi lửa ở sa mạc Harrat Khaybar. Ảnh: Google Earth
Ông David Kennedy thuộc đại học Tây Úc cho biết, đến hiện nay, niên đại cũng như mục đích chính xác của những cấu trúc đá này vẫn còn là một bí ẩn.
“Những cánh cửa hầu như toàn được tìm thấy ở những vùng hẻo lánh. Nơi không có nước, cây cỏ hay bất cứ sự sống nào có thể đặt chân đến” - Ông David Kennedy công bố trong một bài báo đăng trên tạp chí Arabian Archaeology and Epigraphy.
Đa phần các cấu trúc đá có hình dạng những cánh cửa đôi. Dài từ 13 cho đến 518 m. Ảnh: Google Earth
Trong khi một số khác có hình chữ "I" Ảnh: Google Earth
Chúng được tìm thấy nằm rải rác trên các miệng núi lửa và tập trung ở những vùng đất chết chóc, mà không một sinh vật, thực vật nào có thể sinh sống. Ảnh: Google Earth
Theo các nhà nghiên cứu, một số dòng dung nham được tìm thấy bên trên lớp cấu trúc, chứng tỏ những “cánh cửa” này xuất hiện trước khi những dòng dung nham chảy qua đây.
Theo thống kê, những cánh cửa nhỏ nhất dài khoảng 13m trong khi những cánh cửa lớn có thể dài đến gần nữa cây số (518 m). Hầu hết chúng đều có hình chữ nhật trong khi một số khác lại có hình cánh cửa chữ “I”. Các nhà khoa học đã đánh dấu số thứ tự và cho biết có đến 400 cánh cửa như vậy tại khu vực này.
Tất cả những cấu trúc này đều được phát hiện và nghiên cứu thông qua khảo sát vệ tinh và vẫn chưa có bất cứ cuộc khảo sát thực địa quy mô nào được thực hiện.
Những cánh cửa này đa phần nằm dưới lớp dung nham, nên các nhà khoa học cho rằng nó xuất hiện trước khi núi lửa phun trào. Ảnh: NASA
Vào năm 1980, trước khi những cấu trúc hình cánh cửa này được phát hiện, đã có 2 nhà khoa học là Vic Camp và John Roobolmapped từng đặt chân đến khu vực này. Sau khi phát hiện ra một vài cánh cửa xung quanh vòm nham thạch, họ đã đo đạc và ước tính rằng nó đã tồn tại gần 7.000.000 năm. Tuy nhiên, để có con số chính xác, cũng như giải mã nhiều câu hỏi bí ẩn, tiến sĩ David Kennedy cho rằng cần khảo sát thực địa lần nữa.
Đó là những tác phẩm nhân tạo hay tự nhiên?
Vào năm 2007, một khối cấu trúc đá kì lạ được tìm thấy ở một vùng xa xôi hẻo lánh, phía Bắc Kazakhstan. Cũng nhờ vào công cụ của Google Earth, nhà kinh tế học yêu thích khảo cổ, Dimitriy Dey đã tình cờ phát hiện ra khối cấu trúc đặc biệt này.
Hình vuông kì bí ở Kazakhstan. Ảnh: Google Earth
Nó là một tổng hợp 101 khối ụ đất sắp xếp thẳng tắp tạo nên một hình vuông khổng lồ có diện tích rộng hơn cả kim tự tháp lớn Cheops, và một hình chéo chữ X nằm chính giữa. Các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là những dấu hiệu được người cổ đại dựng lên nhằm theo dõi đường di chuyển của Mặt Trời mọc.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giả thuyết, bởi nếu có một nhóm người du canh tạo nên khối kiến trúc đồ sộ như vậy, nó phải là một tập hợp người, thập chí là một nền văn hóa đủ đông, và sống đủ lâu ở khu vực này. Được biết, những khối cấu trúc này có khoảng 8000 năm về trước.
Trước đây, có một nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy hàng ngàn cấu trúc bằng đá với nhiều dạng hình học ở Trung Đông. Trong đó, có 2 cấu trúc hình bánh xe có niên đại 8500 năm.