5 bài học kinh nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(PLO)- Từ việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6-7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã thông tin về công tác tổ chức và những kinh nghiệm được rút ra từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thứ trưởng đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc theo đúng kế hoạch, không có sự cố đáng kể. Ba công tác chính của kỳ thi là làm đề thi, coi thi và chấm thi.

Trong đó, công tác làm đề thi đảm bảo an toàn, bảo mật, chất lượng đề thi được các thí sinh và các chuyên gia đánh giá cao. Đề thi phù hợp để đánh giá công tác dạy và học ở các địa phương, nhà trường, xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề xét tuyển sinh.

Công tác tổ chức thi diễn ra ổn định, không gặp sự cố đáng kể; kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, công tác chấm thi đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến trước ngày 17-7 sẽ có đầy đủ kết quả để thông báo kịp thời đến các thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2024 vừa diễn ra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thứ trưởng, đây là năm thứ 10 ngành Giáo dục đổi mới một cách sáng tạo kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Nghị quyết 29, giảm bớt tốn kém, áp lực cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực và đánh giá được năng lực của học sinh, là cơ sở để tuyển sinh giáo dục, nghề nghiệp, đại học.

Qua nhiều năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nề nếp ổn định, như là công việc bình thường hàng ngày của ngành và ngày càng tốt hơn.

Ông Sơn cho biết sau nhiều năm, ngành Giáo dục rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, mọi khâu từ quy chế thi, tổ chức thi, coi thi, quyết định phương thức ra đề, chấm thi đều phải đảm bảo chất lượng, tin cậy, công bằng cho các thí sinh, giảm áp lực cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội.

Thứ hai là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Thủ tướng đến các ngành, địa phương và sự phối hợp của các cấp, cơ quan giáo dục, bộ ban ngành khác ở địa phương, cán bộ coi thi.

"Có những giai đoạn chúng ta có hạn chế, thiếu sót nhưng với sự quan tâm của các cấp, khi có thiếu sót xảy ra thì vai trò của địa phương ngày càng nâng cao, tổ chức kỳ thi diễn ra tốt đẹp hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Thứ ba, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ ngành, địa phương, cán bộ coi thi và những người có liên quan đều được xác định rõ ràng.

Thứ tư là trách nhiệm tập huấn, tuyên truyền đối với những người làm thi trong tất cả các khâu từ ra đề thi, bảo vệ, hỗ trợ, và tuyên truyền cho học sinh về các sự cố sử dụng công nghệ cao. Ý thức, nhận thức của học sinh sẽ giúp giảm tải được vấn đề này.

Cuối cùng là công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên, nghiêm túc, giúp cho công tác tổ chức thi từ đầu đến cuối diễn ra tốt đẹp. Năm nay không xảy ra sự cố đáng kể, có vài sơ suất thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo địa phương xử lý kịp thời. Các sự cố còn lại sẽ tiếp tục được theo dõi, theo sát để xử lý.

“Sau khi công bố kết quả thi, chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện kỳ thi cho năm sau”, ông Sơn cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm