Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024 này, các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) sử dụng đến 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, hầu hết các trường vẫn xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng tỉ lệ chỉ tiêu khác nhau, thậm chí cách tính điểm cũng đa dạng.
Có trường dành hơn 90% chỉ tiêu
Tính đến thời điểm này, phương thức tuyển sinh chính của khối trường đào tạo ngành sức khỏe vẫn là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Như Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo của trường cho hay năm 2024, trường dự kiến tuyển 2.516 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo. Trong đó, đại đa số chỉ tiêu trường vẫn dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với hai tổ hợp chủ yếu là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và B00 (Toán, Hóa học, Sinh học).
Còn lại là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét tuyển có chứng chỉ SAT (đối với ngành Y khoa, Răng hàm mặt); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Dự bị ĐH.
Hay với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay sẽ tuyển 1.480 chỉ tiêu cho 11 ngành học. Trong số này, hơn 93% chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Số ít còn lại dành cho tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và tiêu ưu tiên xét tuyển (diện lưu học sinh Lào và Campuchia diện Nghị định thư).
Việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường ĐH khác vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Như Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến tuyển khoảng 7.000 chỉ tiêu với bốn phương thức, trong đó khoảng 60% chỉ tiêu từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Quốc Tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dành 50-70% trong tổng số hơn 2.600 chỉ tiêu.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm nay sử dụng năm phương thức để xét tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu. Trong đó, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiếm 50-55% chỉ tiêu. Ngoài ra, trường dành 5-10% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng anh quốc tế IELTS và TOEFL.
Còn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dành 15-60% chỉ tiêu từng ngành để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất, trường dành tối thiểu 60% chỉ tiêu xét kết hợp giữa kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và điểm thi năng khiếu do trường tổ chức.
Ngược lại, một số trường ĐH do dành chỉ tiêu lớn cho các phương thức riêng nên xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn hạn chế. Đơn cử nhất là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chỉ dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023). Còn lại, trường dành chỉ tiêu phương thức xét tuyển kết hợp chiếm đến 80% và tuyển thẳng 2%.
ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ dành 20-30% trong tổng số hơn 8.500 chỉ tiêu; Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển 25% trong hơn 6.600 chỉ tiêu;…
Lưu ý điểm sàn, cách tính điểm riêng
Không chỉ khác biệt về tỉ lệ chỉ tiêu, nhiều cơ sở đào tạo ĐH đã sớm công bố mức điểm sàn dự kiến (điểm nhận hồ sơ) hoặc cách tính điểm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để thí sinh lưu ý, cân nhắc khi đăng ký xét tuyển.
Cụ thể như Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dự kiến tuyển sinh 3.799 chỉ tiêu đối với 37 ngành đào tạo. Trường tuyển sinh theo năm phương thức, trong đó, 40-55% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Tuy nhiên, trường lưu ý là trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn Ngoại ngữ. Đồng thời, ngưỡng đầu vào (điểm sàn) từng ngành dự kiến từ 18 điểm trở lên, theo tổ hợp ba môn thi. Mức điểm sàn chính thức sẽ được trường sẽ công bố theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT sau khi có điểm thi.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng dự kiến tuyển 2.760 chỉ tiêu, theo năm phương thức. Trong đó, trường xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 trong khoảng 30-50%.
Trường cũng thông tin, thí sinh nộp hồ sơ phải có tổng điểm các môn (không nhân hệ số) theo tổ hợp môn xét tuyển mà thí sinh đạt được trong kỳ thi THPT năm 2024 tối thiểu là 20 điểm (dự kiến) đối với tất cả chuyên ngành đào tạo ĐH chính quy của trường tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại TP.HCM.
Mức điểm này không áp dụng đối với thí sinh được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024.
Cũng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ thông tin, ở phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trường nhận hồ sơ từ 22 điểm trở lên, ở các tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D06, D07 (tùy theo ngành).
Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển từ 16 điểm, theo tổ hợp ba môn.
Đặc biệt, nếu thí sinh muốn xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cần nắm rõ cách tính điểm đặc biệt của trường.
Cụ thể, năm nay, trường tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu nhưng dành 75-90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, gồm: Kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng).
Trong đó, cách tính tương tự năm 2023, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 20% trọng số và điểm sàn là 18 điểm (theo tổ hợp xét tuyển); 70% là điểm bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Đăng ký xét tuyển từ ngày 18-7 đến 30-7
Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 45.000 em so với năm ngoái.
Theo kế hoạch, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ hoàn tất trước 17 giờ ngày 14-7 và thời gian công bố kết quả thi sẽ thực hiện đồng loạt vào 8 giờ sáng ngày 17-7.
Từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7: Thí sinh chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH; xét tuyển CĐ ngành giáo dục mầm non (không giới hạn số lần) trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Việc đăng ký này dành cho những thí sinh muốn xét tuyển vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc đã có kết quả trúng tuyển sớm ở các phương thức khác.
Chậm nhất 17 giờ ngày 19-8, các cơ sở đào tạo công bố thí sinh trúng tuyển đợt 1.