5 huyện tại TP.HCM sẽ phát triển ra sao theo Quy hoạch mới?

(PLO)- Theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch).

Theo đó, quy hoạch đã chỉ ra phương án xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tại TP.HCM.

Cụ thể, vùng liên huyện bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của năm huyện là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Huyện Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong ảnh: Cầu Cần Giờ đang xây dựng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Vùng liên huyện sẽ phát triển theo định hướng nhanh và bền vững; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, cách mạng; phù hợp với cấu trúc không gian đa trung tâm toàn TP.

Động lực phát triển kinh tế khu vực chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sinh thái hữu cơ và áp dụng công nghệ cao; các ngành thương mại - dịch vụ; kinh tế biển, công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến và công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Vùng liên huyện cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại không gian hệ thống đô thị, nông thôn trên cơ sở hình thành các đô thị vệ tinh phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ quy hoạch; gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường liên kết Vùng.

Ngoài ra, đảm bảo đô thị hóa có kiểm soát, phát triển bền vững, hiệu quả, hài hoà và cân bằng về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Theo phương án quy hoạch xây dựng năm vùng huyện, huyện Củ Chi là khu vực đô thị hóa ở phía Bắc của TP.HCM với định hướng là trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Đây còn là khu đô thị sinh thái, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - cách mạng, khu viện trường...

Huyện Hóc Môn là khu vực đô thị hóa phía Bắc của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển khu đô thị đại học quốc tế, thương mại dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistic, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...

Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía Tây của khu vực đô thị trung tâm với định hướng là trung tâm công nghiệp, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...

Huyện Nhà Bè là khu vực đô thị hóa phía Nam của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển cảng biển và đô thị cảng, logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ - triển lãm, văn hóa - giải trí, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, khu đại học tập trung, khu y tế kỹ thuật cao, du lịch sinh thái...

Huyện Cần Giờ là khu vực đô thị hóa phía Nam của TP.HCM với các định hướng phát triển quan trọng. Gồm xây dựng Cần Giờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phục vụ cho khu vực Đông Nam Á, vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM và cả nước; khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngoài khơi.

Đây còn là khu vực bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ; xây dựng Cần Giờ trở thành khu vực trọng điểm du lịch sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và vùng TP.HCM.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện trở thành đô thị sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đối khí hậu điển hình của vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới