Ngày 29-9, Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-230, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều trí thức, chuyên gia, nhà khoa học đến từ hơn 80 trường ĐH, CĐ và học viện trên địa bàn Hà Nội.
Điểm nghẽn và những khâu đột phá
Tại hội thảo, GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội (đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch thủ đô), đã trình bày dự thảo quy hoạch thủ đô.
Theo ông Cường, qua các thời kỳ phát triển, Hà Nội đã đạt được những thành tựu ở nhiều lĩnh vực nhưng cũng bộc lộ năm điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển trong tương lai. Trong đó, chưa có một thể chế thực sự vượt trội để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, lợi thế cho phát triển, mặc dù đã có Luật Thủ đô nhưng còn nhiều quy định ràng buộc khiến Hà Nội chưa thể đột phá.
Cụ thể, các điểm nghẽn hiện tại của Hà Nội gồm chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân; môi trường bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội; quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế; bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá vượt trội.
“Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phân tích thấu đáo và có phương án giải quyết nhằm đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới” - ông Cường nhấn mạnh.
Từ phân tích đó, dự thảo quy hoạch thủ đô đưa ra “5 quan điểm, 5 khâu đột phá và 6 trụ cột phát triển” cho Hà Nội. Trong đó, về quan điểm phát triển nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long - Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt của triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội. Tiếp đến là phát triển thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Về “5 khâu đột phá”, ngoài những trụ cột cơ bản về thể chế, quản trị; hạ tầng kết nối và nguồn lực, các đơn vị tư vấn đề xuất thêm hai thành tố là đô thị và dịch vụ bất động sản; môi trường và cảnh quan. Trong đó, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) trong cải tạo chỉnh trang để tạo diện mạo đô thị văn minh và hiện đại.
Còn “6 trụ cột phát triển” bao gồm xây dựng Hà Nội thành TP toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại; thể chế và năng lực quản trị, văn hóa và di sản; đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; xã hội số đô thị thông minh/kinh tế số; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, việc làm.
Hà Nội phải đóng vai trò đầu tàu
Ở góc độ khác, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng trong quá trình phát triển TP Hà Nội phải đóng vai trò là đầu tàu cho sự phát triển chung của vùng thủ đô, có sự tác động lan tỏa, tích cực để các địa phương khác trong vùng cùng phát triển. “Hà Nội cần tiên phong đề xuất, xây dựng và hình thành cơ quan điều phối này trên cơ sở sự hợp tác của các địa phương trong vùng thủ đô” - ông Tuấn đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng Hà Nội cần tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng số… tiến tới trở thành TP thông minh, có hiệu quả cao đối với các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch. “Cần xác định rõ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực chính để phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của TP Hà Nội nhằm phát triển vùng thủ đô hiện đại và bền vững” - ông Tuấn nói.
Còn GS-TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp 1, thì nhấn mạnh Hà Nội phải giữ được môi trường, xây dựng được những hành lang, vành đai xanh, mặt nước… trong quá trình phát triển. Theo đó, việc quy hoạch, bảo vệ và cải tạo cần dựa trên cơ sở nguyên lý của sinh thái cảnh quan, tiến hành đồng bộ với các hạng mục quy hoạch xây dựng khác của đô thị, nghiên cứu chọn giống cây trồng phù hợp.
Đặc biệt, trong thiết kế đô thị của Hà Nội cần coi trọng sự liên kết giữa các mảng xanh, vành đai xanh, hành lang xanh (giữa ao hồ với sông suối và kênh mương; giữa vườn hoa, công viên với các hành lang, vành đai cây xanh) và đặc biệt với diện tích rừng cần đảm bảo tính liên tục. Qua đó tạo sự kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với vùng ngoại ô và nông thôn, tôn trọng tiêu chí quy định về kích thước cũng như nội dung thiết kế cấu trúc hành lang, vành đai cây xanh theo hướng gần với tự nhiên.
“Cần nâng cao tính đa dạng sinh học đô thị thông qua giải pháp kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với các vùng nông thôn, rừng núi ở ngoại ô và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp cảnh quan gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn” - ông Điển nói.•
Hà Nội mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp
Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết nội dung hội thảo rất đặc biệt khi thảo luận về những vấn đề hệ trọng của TP, không chỉ liên quan đến những vấn đề của Hà Nội, không chỉ liên quan đến những vấn đề trước mắt mà cả lâu dài, tầm nhìn không chỉ dừng lại ở năm năm mà còn dài hơn. Do vậy, nếu có được một quy hoạch “đúng và trúng” là rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội và vùng thủ đô.
Ghi nhận những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, ông Phong khẳng định TP sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện quy hoạch thủ đô một cách chất lượng nhất.
“Sau hội thảo này, TP Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP, cũng như ý kiến kinh nghiệm của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế đối với Hà Nội” - ông Phong nói.