5 năm, xử lý 170 vụ án trong lĩnh vực tư pháp

Kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV dự kiến được khai mạc vào ngày 24-3 sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ, trong đó có báo cáo của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.
Hơn 120 vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp
Báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của viện trưởng VKSND Tối cao có một nội dung đáng chú ý, liên quan đến công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao. Theo quy định, cơ quan này có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí thể hiện trong nhiệm kỳ, CQĐT VKSND Tối cao đã thụ lý gần 776 nguồn tin về tội phạm (tăng hơn 53%) và giải quyết được gần 95% trong số này. Cơ quan này cũng đã khởi tố mới nhiều vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như các vụ nhận hối lộ xảy ra tại Công an TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), Công an huyện Giồng Trôm (Bến Tre), Công an TP Dĩ An (Bình Dương) và TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội). 
Ngoài ra, cơ quan này đã khởi tố các vụ án dùng nhục hình xảy ra tại nhà tạm giữ Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), tại Trại giam Long Hòa và Trại giam Thanh Xuân (Bộ Công an); các vụ tham ô tài sản xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Ba Đình (Hà Nội), Chi cục THADS quận Phong Điền (Cần Thơ)...

Cựu đại tá - trưởng Công an TP Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương (trái) bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 24 tháng tù về tội nhận hối lộ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cơ quan này cũng thụ lý điều tra 192 vụ/198 bị can (tăng 28% số vụ, 42% số bị can) và giải quyết được gần 94%. Trong số này có 121 vụ/142 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp; 49 vụ/52 bị can xâm phạm hoạt động tư pháp; 22 vụ/bị can về tội phạm khác. 
Cũng theo báo cáo, công an và THADS là hai ngành có số vụ án và số bị can nhiều nhất: 69 vụ/76 bị can; kế đó là tòa án 30 vụ/26 bị can; ngành khác 11 vụ/7 bị can.

196

 là số công chức ngành kiểm sát vi phạm bị xử lý kỷ luật, theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021, ngành kiểm sát đã xử lý kỷ luật 196 công chức vi phạm, trong đó khiển trách 104 người, cảnh cáo 36 người, buộc thôi việc 9 người... Đồng thời có sáu công chức trong ngành đã bị khởi tố, xử lý hình sự. 

Đáng chú ý, thông qua hoạt động điều tra, CQĐT VKSND Tối cao đã ban hành 454 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm. Trong số này có sáu kiến nghị với bộ trưởng Bộ Công an, chánh án TAND Tối cao và bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, THA và được các cơ quan tiếp thu, thực hiện… 
Đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đánh giá trong nhiệm kỳ qua, công tác điều tra của CQĐT VKSND Tối cao tiếp tục được tăng cường, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, cơ quan này đã kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp và xâm phạm hoạt động tư pháp phức tạp, được dư luận quan tâm. 
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng tỉ lệ giải quyết năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là chưa phát hiện trường hợp nào điều tra, truy tố oan. Tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của CQĐT VKSND Tối cao tăng qua các năm. 
“Tiếp thu kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, bên cạnh việc phát hiện hành vi phạm tội của cán bộ cơ quan THADS, trong nhiệm kỳ qua, viện trưởng VKSND Tối cao đã tăng cường chỉ đạo CQĐT VKSND Tối cao phát hiện các vụ án tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp do cán bộ CQĐT, VKSND, TAND thực hiện” - cơ quan thẩm tra nhấn mạnh. 
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ công tác điều tra của CQĐT VKSND Tối cao vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tỉ lệ giải quyết án một số năm còn chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, năm 2020, tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo giảm hơn 13% so với năm 2019; tỉ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chỉ đạt 63% và đều chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội… 
Cạnh đó, cơ quan thẩm tra nhận định: “Dư luận cử tri cho rằng số lượng các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra chưa thực sự phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.

 Hoạt động tư pháp còn “một số vi phạm”

Đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp, báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng nhiệm kỳ này “có nhiều chuyển biến tích cực”. Những vi phạm pháp luật, hạn chế, thiếu sót được các cơ quan tư pháp thực hiện nhiều biện pháp khắc phục và giảm dần theo từng năm. 

Báo cáo cũng cho hay ngành kiểm sát đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kịp thời phát hiện và ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục, phòng ngừa và xử lý những vi phạm pháp luật. 

Thông qua công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã ban hành gần 71.370 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục.

Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận dù đã có nhiều chuyển biến, trong hoạt động tư pháp vẫn nổi lên một số vi phạm. Đáng chú ý, một số trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ hoặc không đúng quy định pháp luật; còn để người bị tạm giữ, tạm giam trốn hoặc phạm tội mới, tự sát, bị đối tượng cùng bị tạm giữ, tạm giam đánh chết. 

Cạnh đó, vi phạm về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ vẫn còn xảy ra dẫn đến nhiều bản án phải hủy để điều tra lại; bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn gửi các bản án, quyết định còn xảy ra tại một số đơn vị... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm