'5 tự' và đoàn kết vì mục tiêu quốc gia phát triển

79 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÓA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2-9-1945 – 2-9-2024)

'5 tự' và đoàn kết vì mục tiêu quốc gia phát triển

(PLO)- Việc tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “5 tự” cùng với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp Việt Nam vững vàng trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, cải thiện rõ nét “thế và lực” của quốc gia. Về tổng thể, nền kinh tế nước ta hiện nay đạt khoảng 430 tỉ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Nếu năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào nước ta chỉ là 2,07 tỉ USD thì đến năm 2023 đã tăng lên tới hơn 487 tỉ USD. Lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta liên tục tăng, dự kiến đạt khoảng 18 triệu khách trong năm 2024.

Việt Nam cũng đang có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các định chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiện nay đang đàm phán ba FTA – là điều kiện then chốt để tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt khoảng 683 tỉ USD.

'5 tự' và đoàn kết vì mục tiêu quốc gia phát triển
Việt Nam hiện ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, quan hệ quốc hội, nghị viện với trên 140 nước. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc từ 18 đến 20-8 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Khẳng định tinh thần quốc gia tự lực vươn lên

Nếu cuối những năm 1980, Việt Nam chủ yếu chỉ có quan hệ ngoại giao với các nước cùng khối XHCN, tiếng nói trên trường quốc tế còn hạn chế thì hiện nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, quan hệ quốc hội, nghị viện với trên 140 nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN.

Với những kết quả đó, Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra tầm nhìn lãnh đạo là đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Đây là một mục tiêu đúng đắn, truyền cảm hứng cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình có nhiều biến động thì mục tiêu trên gặp nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu phải khẳng định và bổ sung những nhận thức mới về quan điểm, phương châm thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo các nhà nghiên cứu, một đặc điểm then chốt của thế giới đương đại là tình trạng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970 khi các quốc gia ngày càng phải kết nối và trở nên gắn kết chặt chẽ về nhiều vấn đề, đặc biệt là thương mại và an ninh.

Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các nhà nước bị suy giảm khả năng trong việc ban hành và thực thi các quyết định liên quan đến các vấn đề khu vực hoặc toàn cầu. Do tình trạng ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nên mỗi quốc gia này đều dễ bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương hơn với các sự kiện hay động thái nào đó xảy ra ở quốc gia khác.

Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định tinh thần quốc gia tự lực vươn lên trong bối cảnh thế giới hiện nay, với những quan điểm chỉ đạo cụ thể.

Có thể kể đến như “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH…; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc…; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó có các nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người”.

5-tu-va-doan-ket-vi-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-thu-tuong-o-an-do.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ trong chuyến thăm nước này vào cuối tháng 7-2024. Ảnh: VGP

79 năm độc lập: “5 tự” để luôn chủ động, vững vàng

Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt Nam hay viện dẫn câu thành ngữ quen thuộc “tự lực cánh sinh”, hàm ý là đề cao ý chí cá nhân, tự thân nỗ lực để đạt được thành công. Những người thấm nhuần quan điểm “tự lực cánh sinh” sẽ không dựa dẫm, ỷ lại, hay trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mà luôn tìm cách tự thân vận động, dựa vào năng lực của chính bản thân để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Trên phương diện cộng đồng xã hội, “tự lực cánh sinh” cũng là một quan điểm, một phương châm hành động luôn được đề cao ở nước ta.

79 năm trước, trong thư kêu gọi đồng bào cả nước tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Hay trong “Tuyên ngôn độc lập”, tinh thần tự lực cánh sinh cũng được Hồ Chủ tịch khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hướng về tương lai, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác Hồ bày tỏ kỳ vọng và lòng tin vào sức mạnh tự thân của thế hệ trẻ: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

doan-khach-du-lich-cua-ty-phu-an-do-den-ha-long-4.jpg
Dự kiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt khoảng 18 triệu khách trong năm 2024. Trong ảnh: Gần 1.400 du khách đầu tiên trong đoàn du khách 4.500 nhân viên của tỉ phú Ấn Độ đã đến Hạ Long và lên tàu đi tham quan vịnh Hạ Long hôm 29-8. Ảnh: NGỌC SƠN

79 năm sau, trong phát biểu tại các cuộc họp chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu với các văn kiện đại hội là phải khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, truyền thống “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” để cả nước bước vào kỷ nguyên mới; từng bước thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển, đưa nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ đã từng mong mỏi.

Tự chủ là không để số phận của dân tộc bị chi phối, lèo lái bởi các lợi ích và thế lực nước ngoài, luôn kiên định, kiểm soát và làm chủ được lộ trình tiến đến những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tự tin có nghĩa là chúng ta nhận thức rõ những thế mạnh, thuận lợi cũng như những thách thức phía trước và tin rằng với nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tự lực là dựa vào ý chí và sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam chứ không phụ thuộc vào những sức mạnh đến từ bên ngoài. Tự cường tức là phải phát huy tối đa các nguồn lực của quốc gia để làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, chứ không phải sức mạnh mong manh, có được nhờ sự hỗ trợ, nuôi dưỡng từ các quốc gia khác.

Lòng tự hào dân tộc không chỉ giúp chúng ta luôn ý thức được bản sắc, vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế, mà còn là điểm tựa bền vững cho các ý tưởng, quyết tâm và nỗ lực hành động vì tương lai của dân tộc.

Có thể thấy khi tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “5 tự” sẽ giúp Việt Nam vững vàng trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

'5 tự' và đoàn kết vì mục tiêu quốc gia phát triển
Với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường... sẽ giúp Việt Nam vững vàng trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đoàn kết để phát triển

Để có thể phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, tận dụng được các sức mạnh ngoại biên cho mục tiêu quốc gia phát triển thì một trong những yêu cầu hàng đầu là cả dân tộc phải thực sự đoàn kết, chung một tâm nguyện để cùng nỗ lực hành động.

Đoàn kết được hiểu là sự đồng thuận, gắn kết, thống nhất chặt chẽ giữa nhiều cá nhân, cả về nhận thức, tâm lý, ý chí và hành động, trước các mục tiêu chung. Trên phương diện quốc gia, đoàn kết có nghĩa là sự gắn kết chặt chẽ của mọi chủ thể trong hệ thống chính trị, sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền và các lực lượng xã hội để cùng thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển.

Từ hơn 50 năm trước, trong “Di chúc” để lại cho Đảng và Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra sức mạnh của đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta…Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Hướng về tương lai, Bác Hồ cũng căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đoàn kết với sức mạnh của Đảng và tiến trình phát triển đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong Đảng cũng như trên bình diện xã hội.

mien-phi-98-thu-tuc-hanh-chinh-truc-tuyen-tp-hcm-thu-hut-nguoi-dan-cung-chuyen-doi-so.jpg
Mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải ý thức cao về sứ mệnh phụng sự lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Ảnh: THUẬN VĂN

Thực tế lịch sử đất nước, đặc biệt là những diễn biến trong thế kỷ XX cũng cho thấy mỗi khi dân tộc ta phải đối diện với những thách thức sinh tử thì truyền thống đoàn kết đó lại trỗi dậy, chuyển hóa thành những hành động quyết đoán, đưa nước ta bước lên một nấc thang mới với những thay đổi tích cực, cải thiện và vun đắp vị thế quốc gia. Nếu chúng ta đã từng giành lại được nền độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, và đổi mới thành công nhờ đoàn kết thì động lực cho sự đoàn kết dân tộc trong thời gian tới chính là mục tiêu quốc gia phát triển.

Tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc nhưng chúng ta cũng cần nhận thức rõ những yếu tố có thể ảnh hưởng không tốt đến sự đoàn kết trong bối cảnh hiện nay. Đáng chú ý nhất là ba yếu tố gồm vị thế Đảng duy nhất đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cầm quyền, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nếu mỗi cán bộ, đảng viên không ý thức cao về sứ mệnh phụng sự lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc thì có thể bị chi phối bởi các quan điểm và lợi ích vị kỷ, từ đó hành động trái với chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân, của đất nước và khối đại đoàn kết toàn dân. Hậu quả dễ thấy là nguy cơ thất bại của các mục tiêu quốc gia, dân tộc.

Đọc thêm