Người dùng mua hàng online ngày càng nhiều
58% người tiêu dùng Việt cho biết sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) bởi sự tiện lợi và an toàn trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, có tới 53% người dùng cho biết mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong thói quen của họ.
Đây là những con số được đưa ra trong báo cáo toàn cảnh TMĐT với chủ đề “TMĐT năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ COVID-19” do Lazada Việt Nam phối hợp cùng các chuyên gia phát hành.
Theo thống kê, tính tới nửa đầu năm 2021 đã có hơn 8 triệu người dùng trực tuyến mới, 55% trong số đó đến từ khu vực phi thành thị.
Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực về tiềm năng mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số nói chung và TMĐT nói riêng.
Báo cáo cũng thể hiện tỉ lệ doanh nghiệp tham gia TMĐT tăng từ 17% trong năm 2019 lên 22% trong năm 2020. Con số này còn tăng lên mạnh mẽ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Đơn cử trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, nền tảng TMĐT Lazada ghi nhận số lượng nhà bán hàng mới trên sàn tăng gấp 1.5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thậm chí sau giai đoạn giãn cách xã hội, số lượng nhà bán mới vẫn không ngừng tăng, ước tính tăng 30% mỗi tháng kể từ tháng 10-2021.
Điều này cho thấy mô hình kinh doanh trên TMĐT ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang xem TMĐT là một mô hình kinh doanh tiềm năng sau thời kỳ giãn cách xã hội.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà bán hàng cần hiểu rằng để giữ chân người mua lâu hơn trên sàn TMĐT thì cần hiểu sự khác biệt cơ bản giữa kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến.
"Không giống với mua sắm ngoại tuyến, người mua có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt sản phẩm, môi trường trực tuyến cần nhiều nỗ lực hơn từ các nhà bán hàng để xây dựng kết nối ảo với khách hàng.
Chiến lược Shoppertainment - mua sắm kết hợp giải trí - với nhiều hoạt động đa dạng như livestream, trò chơi trực tuyến, đánh giá sản phẩm thực tế… chính là chìa khóa giúp thương hiệu và nhà bán hàng tháo gỡ được nút thắt này” - báo cáo nêu rõ.
5 xu hướng bán hàng của tương lai số
Cũng theo báo cáo, trong năm 2022 sẽ có năm xu hướng nổi trội của ngành TMĐT mà người kinh doanh cần nắm bắt.
Thứ nhất, Social Commerce sẽ lên ngôi trong năm 2022. Đây được hiểu là sự kết hợp giữa mạng xã hội với TMĐT làm phương tiện để quảng bá và bán sản phẩm như hình thức livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động mua sắm kết hợp giải trí…
Xu hướng thứ hai phải kể đến là sự thúc đẩy nội dung do người dùng sáng tạo. Với sự gia tăng của nhiều nền tảng mạng xã hội có tương tác cao và xu hướng để lại bài đánh giá (review), việc thu hút người dùng chia sẻ thêm các nội dung, nhận xét liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm sẽ giúp tối ưu hóa kết nối và hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng.
Thứ ba là xu hướng mua sắm đa kênh. Tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn cũng như gói hỗ trợ từ nền tảng TMĐT là cách giúp nhà bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Thứ tư là đa dạng hóa phương thức thanh toán để tăng cường sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Trong đó, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) trong thời gian tới.
Cuối cùng là xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. Theo đó, cá nhân hóa nội dung và điểm chạm trong hành trình mua sắm sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng.