50 cơ quan báo chí bị xử phạt vụ nước mắm

Bộ TT&TT ngày 21-11 đã công bố kết quả xử lý vi phạm đối với các cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Theo đó, Bộ thống kê liên quan đến vấn đề này đã có 50 cơ quan báo chí đã cho đăng gần 560 tin, bài (170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ báo Thanh Niên và Vinastas; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng).

Hậu quả của việc thông tin đã làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay, không đưa được vào các siêu thị; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, nhất là vừa mới chịu hậu quả của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. 

Hậu quả của việc thông tin sai sự thật khiến cho nước mắm truyền thống bị tẩy chay.

Ngày 21-10-2016, ngay khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, bộ trưởng Bộ TT&TT đã kịp thời có bài trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, nêu rõ sự mập mờ trong báo cáo kết quả khảo sát của Vinastas, chỉ ra những sai phạm trong quá trình tác nghiệp của báo chí và việc đồng loạt đưa tin, bài giống nhau trên nhiều tờ báo là điều không bình thường.

Từ đó định hướng dư luận, tạo hiệu ứng thông tin tích cực trong xã hội. Các cơ quan báo chí đã lan tỏa nội dung này, đồng thời tiếp tục khai thác, phân tích, làm rõ sự mập mờ, không rõ ràng và phản bác kết quả khảo sát của báo Thanh Niên và Vinastas.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét nội dung thông tin trên báo chí, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an đánh giá mức độ sai phạm trong thông tin của 50 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, phân làm ba loại: Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia; cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng; cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an thống nhất quan điểm, cách thức xử lý, bảo đảm yêu cầu xử lý nghiêm minh, có mức độ xử lý khác nhau; tạo niềm tin của người dân đối với Chính phủ; sự đồng thuận của xã hội và báo giới.

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT, cùng các cơ quan liên quan đã làm việc với đại diện cơ quan chủ quản có báo chí đăng thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia, gây hậu quả rất nghiêm trọng; yêu cầu các cơ quan chủ quản có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân liên quan.

Ngày 14-11-2016, Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan báo chí vi phạm. Cụ thể báo Thanh Niên bị xử phạt với mức phạt tiền: 200 triệu đồng (mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí).

Đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các ban, nhà báo, PV của báo Thanh Niên có liên quan đến sai phạm, khi có kết quả xử lý kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ TT&TT sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật Báo chí.

Các cơ quan báo chí bám sát sự kiện, đăng tải kết quả công bố của cả báo Thanh Niên và Vinastas, đã thông tin sai sự thật có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi (gồm tám cơ quan báo chí).

Trong đó, báo điện tử Người Tiêu Dùng bị phạt 50 triệu đồng. Sáu cơ quan báo chí là báo điện tử Hà Nội Mới, báo điện tử Đại Đoàn Kết, báo điện tử Người Đưa Tin, báo điện tử Dân Việt, báo điện tử Dân Sinh, báo điện tử Infonet mức phạt 45 triệu đồng/cơ quan. Tạp chí điện tử Thực Phẩm Chức Năng 40 triệu đồng. Các báo phải có biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định pháp luật.

Đối với cá nhân, Bộ TT&TT cho biết khi có kết quả xử lý kỷ luật của các cơ quan chủ quản, Bộ sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật Báo chí.

Đối với các cơ quan báo chí chỉ đăng thông tin về một kết quả khảo sát của báo Thanh Niên hoặc Vinastas, đã thông tin theo kết quả công bố sai sự thật có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi (gồm 41 cơ quan báo chí).

Căn cứ nội dung thông tin trong các bài viết và mức độ ảnh hưởng thông tin của cơ quan báo chí đến dư luận xã hội, Bộ TT&TT xử phạt 41 cơ quan báo chí từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Buộc các cơ quan báo chí thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới