Theo TS Nguyễn Việt Cường, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định mức đóng BHXH dựa trên nền lương và phụ cấp (trước đây đóng trên nền lương) ghi trong hợp đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến DN. Hiện nay cả người lao động (NLĐ)và chủ sử dụng lao động đều không muốn đóng BHXH ở mức cao này vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại.
“Qua khảo sát của đơn vị cho thấy 80% NLĐ muốn tham gia BHXH, tuy nhiên nếu hỏi mỗi tháng đóng BHXH 300.000 đồng, chỉ có 50% NLĐ đồng ý tham gia. Như vậy, điều NLĐ mong muốn là có thu nhập cao để trang trải cho cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, NLĐ cũng muốn nhận tiền một lần từ DN để về đầu tư làm ăn cho tiền đẻ ra tiền chứ không muốn nộp cho cơ quan BHXH, vì vậy cần xem xét mức đóng BHXH hiện nay, bởi nếu đóng quá cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người trẻ…” - TS Cường nói.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá lại việc tăng đóng BHXH vì đến năm 2018, mức đóng BHXH sẽ dựa trên tổng thu nhập thì cơ hội việc làm của NLĐ sẽ bị co lại. Cụ thể, khi mức BHXH tăng lên, các DN sẽ giảm cầu lao động khu vực chính thức sang lao động phi chính thức nhằm trốn đóng BHXH. Như vậy, tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH ở DN sẽ giảm.