51 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng

Sáng  6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Uỷ ban Tư pháp họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.

Chính phủ cũng đánh giá sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.

Cạnh đó, đã gắn phòng, chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị

Báo cáo Chính phủ cũng khẳng định các biện pháp phòng ngừa được tăng cường triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, từ 1-10-2020 đến 31-7-2021, đã có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có 16 người đứng đầu bị xử lý hình sự; 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hơn 3.100 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó phát hiện 276 vụ việc và 376 người vi phạm (giảm hơn 27% số vụ và hơn 37% số người vi phạm so với năm 2020).

Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi hơn 50 tỉ đồng, đã được thu hồi 43 tỉ đồng.

Theo Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội cũng được quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 5.500 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng hơn 63% so với năm 2020); kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 80 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giảm gần 45% so với năm 2020.

Số liệu cho thấy, năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng và hai người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ…

Kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa hiệu quả

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, Chính phủ đánh giá vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ.

Đáng chú ý, vẫn còn tư tưởng lo ngại đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm” sự phát triển.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về quy trình, thủ tục nhưng xử lý chậm và chưa thống nhất, thậm chí có trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch... gây hoài nghi trong dư luận.

Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra ở nhiều nơi; việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa hiệu quả; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hình thức, hiệu quả thấp.

Chính phủ cũng thừa nhận việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng và chuyển đổi vị trí công tác còn có những vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi.

Ngoài ra, công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét. Việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Đáng chú ý, vẫn còn có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

“Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”- Chính phủ nhận định.

Chính phủ cũng dự báo năm 2022 hành vi tham nhũng “sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn”, do đó phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới