6 giải pháp 'trị' doanh nghiệp chậm đóng BHXH

(PLO)- Cơ quan BHXH TP.HCM đã đưa ra sáu giải pháp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Doanh nghiệp chậm đóng BHXH, người lao động bị thiệt thòi”. Bài viết thông tin về việc các doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) như NLĐ sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, ốm đau…

Nhằm đảm bảo cho NLĐ được hưởng đầy đủ chính sách về BHXH trong suốt quá trình làm việc và tham gia BHXH, các cơ quan chức năng, mà đặc biệt là cơ quan BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo cơ quan BHXH TP.HCM xoay quanh những giải pháp hạn chế doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH.

P14_Giai-phap-DN-cham-dong-BHXH_5-10.jpg
Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện thủ tục liên quan đến BHXH.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sáu giải pháp hạn chế doanh nghiệp chậm đóng BHXH

. Phóng viên: Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ?

+ BHXH TP.HCM: Tính đến ngày 31-8, trên địa bàn TP.HCM có 49.087 doanh nghiệp chậm đóng BHXH bắt buộc cho 629.924 lao động với tổng số tiền chậm đóng là 4.262,81 tỉ đồng.

. BHXH TP.HCM đã thực hiện những giải pháp nào để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT?

+ Hiện nay, cơ quan BHXH đã và đang thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ về đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.

Thứ hai, thường xuyên đôn đốc việc thu nộp, giảm nợ BHXH bằng các giải pháp như gọi điện thoại đôn đốc, cung cấp số phải thu tạm tính để doanh nghiệp nộp tiền cho cơ quan BHXH trước ngày cuối cùng của tháng…

Thứ ba, quản lý đơn vị chặt chẽ, kịp thời phát hiện những đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người, số tiền, quá trình đóng. Việc này sẽ tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan công an, cơ quan thuế, ngành lao động để mời doanh nghiệp chậm đóng, đóng không đủ số người đến làm việc tại cơ quan BHXH hoặc trụ sở UBND phường, xã. Việc này nhằm thu hồi số tiền chậm đóng, ngăn ngừa những trường hợp lạm dụng để trốn đóng, chậm đóng hoặc trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, thực hiện tốt quy chế phối hợp để củng cố hồ sơ, chuyển sang cơ quan công an khởi tố theo Điều 216 BLHS đối với các doanh nghiệp vi phạm trốn đóng BHXH cho NLĐ.

Thứ sáu, bổ sung thông tin số tháng chưa đóng trên ứng dụng BHXH số (VssID) để NLĐ theo dõi, giám sát việc đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động…

Phạt tiền 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm gì khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH?

. Nếu doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH thì việc chốt sổ cho NLĐ sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của NLĐ.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 21 Luật BHXH cũng nêu: Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 46 Văn bản hợp nhất 2525 của BHXH Việt Nam cũng có hướng dẫn cụ thể về việc ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH trong sổ BHXH. Cụ thể, trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

. NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình nếu doanh nghiệp không chốt sổ hoặc không đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ trước khi nghỉ việc?

+ Tại Điều 14 Luật BHXH quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Như vậy, NLĐ không thể tự chốt sổ BHXH, trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về người sử dụng lao động. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện chốt sổ BHXH, NLĐ có thể làm đơn khiếu nại gửi tổ chức công đoàn yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho mình, hoặc có thể khiếu nại lên Sở LĐ-TB&XH nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

Trường hợp các cơ quan, đơn vị trên không giải quyết, NLĐ sẽ khởi kiện công ty ra TAND nơi công ty đặt trụ sở.•

Mức phạt đối với doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH

Tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng…

Tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 18%-20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tại Điều 216 BLHS quy định về xử lý tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ như sau: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ sáu tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm:

Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người.

Ngoài ra, nếu người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Phạm tội hai lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người… BHXH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm