Đề xuất 5 chế tài mới với doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) năm chế tài mới nhằm ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhiều quy định siết việc chủ doanh nghiệp (DN) trốn, chậm đóng BHXH như tính lãi chậm nộp, hoãn xuất cảnh, bỏ tù…

Tăng cấp độ chế tài

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra ở nhiều DN, địa phương, bình quân trên 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Việc này diễn ra thời gian dài dẫn đến khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ).

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng…” - cơ quan soạn thảo nhìn nhận.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy tổng số tiền chậm đóng BHXH khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh. Năm 2016 là 1.562 tỉ đồng thì năm 2020 đã tăng lên khoảng 2.600 tỉ đồng (chiếm 22% số tiền chậm đóng).

Mặc dù Luật DN, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng đây không phải là khoản thanh toán đầu tiên. Mặt khác, phần lớn DN phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản chậm đóng. Từ đó, NLĐ không được ghi nhận đối với khoảng thời gian DN chậm đóng BHXH, BHTN.

Doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH sẽ ảnh hưởng tới việc giải quyết quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa: HUỲNH DU
Doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH sẽ ảnh hưởng tới việc giải quyết quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa vào dự luật quy định chủ DN chậm đóng BHXH sẽ phải nộp thêm số tiền chậm đóng BHXH bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền chậm đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Thêm vào đó, cơ quan BHXH có quyền kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Song song đó, người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền lợi của NLĐ.

Cân nhắc quy định cấm xuất cảnh

Thẩm định nội dung trên, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định nộp số tiền chậm đóng 0,03%/ngày là tiền gì, có phải là tiền phạt trốn đóng BHXH bắt buộc hay không? Nếu là tiền phạt, cần rà soát bảo đảm tính thống nhất với quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời làm rõ tiền này nộp vào ngân sách hay vào Quỹ BHXH.

Về chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc. Đây là vấn đề liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nếu không được sử dụng hóa đơn họ có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ.

“Tham khảo Luật Quản lý thuế thì chỉ ngừng sử dụng hóa đơn trong trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định biện pháp này…” - Thường trực Ủy ban Xã hội nêu ý kiến.

Về quy định hoãn xuất cảnh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, luật hiện hành quy định bị xử phạt hành chính. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng có quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn.

“Trường hợp này khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng BHXH bắt buộc mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ…” - Thường trực Ủy ban Xã hội cho hay.

Với vai trò cơ quan phối hợp xây dựng dự thảo, mới đây BHXH Việt Nam gửi văn bản tới Thường trực Ủy ban Xã hội, trong đó nói rõ số tiền 0,03% là tiền lãi. Đồng thời đề xuất với cơ quan soạn thảo cần quy định các trường hợp phải tính tiền lãi không bao gồm DN đang tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN do cưỡng chế về quản lý thuế; các DN đang làm thủ tục giải thể, phá sản, không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền.

Lý do, theo BHXH Việt Nam là những trường hợp trên khó đủ nguồn tài chính để chi trả các khoản công nợ, nên cần thiết phải quy định việc tạm dừng không phải nộp số tiền lãi để hạn chế phát sinh số tiền trốn đóng ảo.

Có nguồn tiền để đầu tư tăng trưởng quỹ

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc đưa ra các chế tài mới trong dự luật về hành vi trốn đóng BHXH giúp hạn chế thấp nhất tình trạng trốn đóng, chậm đóng, đồng thời gia tăng thu Quỹ BHXH. Phần kết dư quỹ được đầu tư tăng trưởng sẽ giúp cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.

Về lâu dài, khi tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH được khắc phục hiệu quả, NLĐ được tham gia BHXH đầy đủ thì Nhà nước sẽ không phát sinh chi ngân sách cho người cao tuổi không có lương hưu.

Chậm, trốn đóng BHXH liên tục tăng

Số tiền chậm, nợ đóng BHXH giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 trên 9.500 tỉ đồng, năm 2017 trên 9.700 tỉ đồng, năm 2019 là trên 10.000 tỉ đồng và năm 2020 lên đến trên 11.600 tỉ đồng.

(Nguồn: BHXH Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm