Tăng tuổi nhận lương hưu với người đóng BHXH tự nguyện

(PLO)- Người đang tham gia BHXH tự nguyện trước tháng 7-2025 được hưởng lương hưu ở tuổi 55 đối với nữ và tuổi 60 đối với nam nhưng sau đó tuổi hưởng lương hưu khu vực này sẽ điều chỉnh tăng thêm 2-5 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất những người đang tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu ở tuổi 55 đối với nữ và tuổi 60 đối với nam.

Tăng tuổi hưởng lương hưu từ tháng 7-2025

Theo Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong đó, chế độ hưu trí được nhận khi hội tụ đủ hai điều kiện là có 20 năm đóng BHXH và nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi. Mức hưởng lương hưu tương tự người tham gia BHXH bắt buộc.

1,46 triệu là số người tham gia BHXH tự nguyện sau 15 năm triển khai (từ năm 2008) cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động.

Trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc, sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, lương hưu sẽ được tính trên tổng thời gian đã đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, trong Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ quy định trên đối với người đang tham gia BHXH tự nguyện nhưng điều chỉnh tăng tuổi hưởng lương hưu đối với người tham gia mới. Cụ thể, người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Nếu đề xuất được thông qua, từ ngày 1-7-2025, ngày dự luật có hiệu lực, tuổi hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh tăng theo quy định chung.

Người dân tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện để tham gia nhằm hưởng lương hưu khi về già. Ảnh: VIẾT LONG
Người dân tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện để tham gia nhằm hưởng lương hưu khi về già. Ảnh: VIẾT LONG

Cụ thể, người lao động (NLĐ) đóng 15 năm BHXH và đủ 61 tuổi ba tháng đối với nam, đủ 56 tuổi tám tháng đối với nữ. Sau đó, tuổi hưởng lương hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và bốn tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng quy định trên nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung. Cạnh đó, việc cho những người đã tham gia BHXH được nhận lương hưu theo quy định cũ nhằm kế thừa những cam kết của Nhà nước, tránh ảnh hưởng tiêu cực, giảm niềm tin của người dân vào chính sách BHXH tự nguyện.

Cân nhắc mức hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng

Cùng với việc tăng thời gian hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất người lao động ở khu vực tự nguyện chỉ cần tham gia BHXH 15 năm là có thể nhận lương hưu, thay vì 20 năm như trước.

Đối với nữ, mức hưởng lương hưu sau khi giảm năm đóng vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, trong khi đó đối với nam giảm xuống còn 33,75%. Mỗi năm đóng thêm, cả nam và nữ sẽ tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng khi sinh con. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cần xem xét lại việc này.

Cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế, do đây là mức hỗ trợ được triển khai từ năm 2015. Do đó, để thu hút NLĐ sớm tham gia hệ thống BHXH, đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ này để phù hợp hơn.

Cùng với đó, quy định trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà NLĐ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén… Đây là những lợi ích rất cần thiết đối với lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện tính bình đẳng giữa các chế độ BHXH trong hệ thống BHXH quốc gia.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động thêm quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người tham gia BHXH tự nguyện tương tự người tham gia BHXH bắt buộc.

Thêm vào đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con NLĐ tham gia BHXH tự nguyện: “Chẳng hạn, giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí cho trẻ trong độ tuổi đến trường…” - Thường trực Ủy ban Xã hội nêu quan điểm thẩm tra.

Theo dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện như sau: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm