Chị Đỗ Thụy An My, trưởng nhóm Hoa Cát Tường, vào một quán cà phê tại TP.HCM, nơi mà một số nguồn tin của chị cho biết ở đây có tiếp viên đi khách. An My đến uống cà phê vài buổi, bắt chuyện với họ để “làm thân”. Chỉ cần quan sát các cô gái thì thầm với khách là chị hiểu nơi này có dịch vụ nhạy cảm.
Khó cỡ nào cũng tiếp cận được
Đến các quán như trên, An My giới thiệu mình là nhân viên xã hội, chỉ xin quán cho đặt bao cao su để người có nhu cầu có thể sử dụng nhằm tránh lây lan bệnh tật, đồng thời để lại số điện thoại của chị. Vài ngày sau quay lại, chị thấy bao cao su đã được lấy sử dụng. Nhân viên trong quán trò chuyện với chị cởi mở hơn.
Bằng cách đó, chị An My và các thành viên đã tiếp cận được 41 quán bar, cà phê nhạy cảm. Chị còn hướng dẫn các cô gái cách xử lý tình huống và những kỹ năng tự bảo vệ.
Trước đó, chị đã tiếp cận những cô gái ở một số khu vực khác. Thấy An My, họ bỏ đi, né tránh mọi cuộc tiếp xúc. Chị bèn về nhà thay một bộ đồ xuề xòa, rồi đi tập thể dục gần đó. Đến gần một cô gái, chị dừng lại hỏi chuyện: “Bữa nay em có khách không? Hồi trước chị làm ở khu vực này nè!”. Cô gái ban đầu hơi ngại nhưng sau đó chịu trò chuyện với chị, kể chị nghe câu chuyện đời mình theo cách mà người trong “giới” của cô hay nói với nhau.
Chị An My (bìa phải)tại một hội thảo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho những người yếu thế. Ảnh do nhân vật cung cấp
Có lần An My đến uống cà phê chòi với một người bạn gái ở một quán tại Bình Dương. Chị bắt chuyện nhưng không ai trong quán thèm trả lời. Hôm sau, chị quay lại với bộ đồ bộ mặc như đang ở nhà, bước vô làm quen với chủ quán: “Em là nhân viên xã hội, em chỉ muốn giúp mấy chị em tránh bị lây nhiễm bệnh xã hội. Chị cho em đặt bao cao su ở đây nha!”.
Sau vài lần đến gặp, An My thuyết phục được chủ quán cà phê chỉ cho chị một loạt quán có tiếp viên. Sau một thời gian, chị xây dựng được một nhóm tự lực ở đây, đặt tên là Hương Lá. Rồi chị xin được một trung tâm hỗ trợ đưa xe chăm sóc y tế lên làm xét nghiệm cho các chị em. Sau cuộc xét nghiệm, có năm cô gái bị phát hiện nhiễm HIV. Hiện nay các cô vẫn được nhóm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
Thấu hiểu với những lầm lỡ
An My cho biết chị có được kinh nghiệm tiếp cận hỗ trợ các chị em bởi trước kia, nhà nghèo, chị chỉ được học tới lớp 2 rồi nghỉ học, rồi lầm lỡ, để số phận cuốn trôi… Chị không dám mơ về một ngôi nhà hạnh phúc. Người “neo” chị lại là ông xã chị bây giờ. Anh là một đồng đẳng viên giúp người cai nghiện hòa nhập xã hội. Anh động viên chị tham gia các hoạt động giúp đỡ các cô gái mại dâm.
Chị thành lập nhóm tự lực Hoa Cát Tường, được một số tổ chức lựa chọn để triển khai các dự án giúp đỡ người bán dâm. Chị nói: “Làm được việc có ích thấy vui lắm. Nhưng khó khăn là tôi mới học tới lớp 2, mới biết mặt chữ, mà họ yêu cầu phải viết kế hoạch, phải báo cáo số liệu, phải trao đổi bằng email. Người ta học vi tính khó một thì tôi khó gấp hai chục lần. Tôi ôm tập vở đi học, học xong vẫn không hiểu. Tôi ra tiệm Internet thuê máy để thực hành, vẫn thấy khó. Đêm nào cũng thức tới quá nửa đêm, rồi dần dần gõ được phím, sử dụng được email. Mình là trưởng nhóm, mình phải làm được hết”.
Chị An My trong buổi ra mắt điểm tư vấn chăm sóc và hõ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng
Nhiều cô gái bảo chị rằng họ không có con đường nào để lựa chọn quay lại với đời, chị nói với họ: “Chuyện gì khó cũng có đường gỡ. Khó như học vi tính trình độ lớp 2, tôi còn làm được mà”.
Có những niềm vui mà chị An My giữ rất lâu, đến tận bây giờ, như câu chuyện của chị HT - một cô gái massage. HT suy sụp, nằm bẹp trong nhà trọ khi biết mình nhiễm HIV. Chị My đến thăm, bị đuổi về. Mấy lần đến tiếp cận đều bị từ khước. Đến một hôm, trời mưa rất lớn, chị My vẫn đội mưa kiên nhẫn gõ cửa phòng trọ. Cuối cùng, HT mở cửa cho chị vào trú mưa. Chị My đã thuyết phục được HT đi khám và điều trị theo phác đồ.
Sau đó chị My bảo lãnh cho HT vay vốn mua máy may nhận hàng về gia công. HT sống ổn định với nghề may, tinh thần lạc quan hơn rất nhiều và coi My như người thân của mình. HT nói: “Hồi đó tôi đuổi chị My về mà chị My về luôn thì tôi không có ngày hôm nay”.
Sáu năm âm thầm hỗ trợ Hoa Cát Tường là nhóm tự lực hỗ trợ người bán dâm do chị Đỗ Thụy An My và một số chị em sáng lập vào năm 2012. Nhóm thuộc dự án Hỗ trợ can thiệp giảm hại đối với gái mại dâm của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Đến nay, nhóm Hoa Cát Tường đã tiếp cận được rất nhiều cô gái mại dâm hoạt động trên địa bàn quận 1, TP.HCM, tìm hiểu cuộc sống và nhu cầu của họ. Từ đó nhóm có báo cáo với SCDI và đề nghị hỗ trợ cụ thể. Nhóm hoạt động hiệu quả và bền vững Làm việc với chị An My và Hoa Cát Tường bốn năm nay, tôi nhận thấy đây là nhóm có hoạt động rất ổn định, hiệu quả, bền vững. An My là người rất có trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo. Hoa Cát Tường đã giúp nhiều chị em hoạt động trong nghề mại dâm hòa nhập, vươn lên, nhiều người trong số đó trở thành tình nguyện viên giúp đỡ các cô gái khác. Anh Nguyễn Thành An, cán bộ điều phối khu vực TP.HCM của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) |