Ngày 27 và 28-2, tại Hà Nội diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Ngoài niềm tự hào chung của đất nước khi được lựa chọn làm nơi tổ chức sự kiện, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn có những kỷ niệm riêng bởi ông đã có đến sáu năm là du học sinh tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên).
Được đặc cách vào thẳng nhạc viện
Trong căn nhà được Nhà nước tặng nằm trong một con ngõ của Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hồi nhớ lại thời điểm những năm 1966-1967 khi ông vẫn đang làm nhiệm vụ sáng tác tại vùng mỏ Hồng Gai (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
“Lúc đó tôi nhận được công văn của Bộ Văn hóa cử đi học tại Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Lo thủ tục giấy tờ ở Việt Nam xong lại trải qua sáu tháng học tiếng Triều, tôi đã có mặt ở Bình Nhưỡng nhập học” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ kể.
Chân ướt chân ráo đến nước bạn, một tình huống mới lại nảy sinh, trong hồ sơ học tập của ông thiếu mất bằng sơ-trung cấp âm nhạc nên theo quy định thì không đủ trình độ để học Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng. Rất may, đại sứ nước ta lúc đó là ông Lê Thiết Hùng thảo luận với ban lãnh đạo của Nhạc viện Bình Nhưỡng cho ông trải qua kỳ kiểm tra trình độ thực tế.
Sau ba tuần kiểm tra và chờ đợi, cuối cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được đặc cách vào thẳng Nhạc viện Bình Nhưỡng, không cần phải trải qua thời kỳ học dự bị khoảng 1-2 năm như những người khác.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã 83 tuổi nhưng năng lực sáng tác âm nhạc ở ông vẫn không ngơi. Ảnh: V.THỊNH
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và bà Vũ Thị Cẩm Tú khi còn trẻ. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Miệt mài học với giáo sư vào nửa đêm
Nhớ về những ngày đầu nhập học tại Bình Nhưỡng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bồi hồi: “Ở Triều Tiên, người ta khai giảng năm học mới từ tháng Giêng năm mới. Choáng nhất là khi tôi được chứng kiến trình độ của thầy trò ở đây khi xem học sinh, sinh viên năm thứ nhất trả bài. Tôi trải qua nửa năm học tập vất vả, phải chạy theo chương trình một cách vô cùng khó khăn. Lúc đó tôi chỉ dám ngủ bốn giờ đồng hồ mỗi đêm mà vẫn cảm thấy mình chưa dành đủ thời gian cho âm nhạc”.
Để tiện cho việc học tập, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tạm trú ngay tại ký túc xá lưu học sinh của nhạc viện. Ở đây có một đặc điểm là cứ đến 5 giờ, kẻng báo thức lại vang lên lanh lảnh. Tất cả học sinh của ký túc xá phải dậy tập thể dục nửa tiếng đồng hồ trước khi ăn sáng, chuẩn bị lên lớp. Từ 6 giờ đến 6 giờ rưỡi sáng thì vệ sinh lớp học và chuẩn bị cho các tiết học. Thầy giáo nào cũng ráo riết theo dõi học sinh.
Tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là học trò của thầy Kim Tấc Mô, giáo sư âm nhạc tu nghiệp tại Đức, Ý trở về. Cứ đến 12 giờ đêm, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lại đến lớp chờ GS Kim đến dạy. Hai thầy trò trong căn phòng chỉ non 10 m2 với một chiếc bàn con, một cây đàn piano. Có những buổi cả thầy và trò ngồi với nhau từ 12 giờ đêm đến 2-3 giờ sáng. Cùng với thầy Kim Tấc Mô, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng được nhạc sĩ Xin Tô Xơn hết lòng chỉ dạy các phương pháp xử lý kỹ thuật trong âm nhạc. Nhạc sĩ Xin Tô Xơn là nhạc sĩ hàng đầu của Triều Tiên, tác giả của nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, bao gồm cả thanh nhạc và khí nhạc; là đồng tác giả với chủ tịch Hội Âm nhạc Triều Tiên soạn vở nhạc kịch nổi tiếng Núi rừng ơi! Hãy lên tiếng đã từng được biểu diễn ở Việt Nam những năm 1955.
“Thời đó nền âm nhạc Triều Tiên phát triển rất mạnh, rất đáng trân quý. Ở châu Á, chỉ có duy nhất dàn giao hưởng Triều Tiên được mời đi biểu diễn khắp châu Âu. Tôi sang đây được học những cá nhân mang tầm cỡ lớn. Ngay như thầy giáo của tôi, thầy Kim Tấc Mô, cũng phải hơn tôi đến mười cái đầu” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ xúc động.
Mối tình bén duyên từ Bình Nhưỡng
Ngoài đào tạo chuyên môn về âm nhạc, mảnh đất Bình Nhưỡng cũng là nơi ươm mầm cho tình yêu của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với một người con gái, bây giờ chính là vợ ông - bà Vũ Thị Cẩm Tú.
Khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến Triều Tiên thì bà Cẩm Tú cũng đang theo học tại ĐH Bách khoa, ngành Khoa học xây dựng nền móng công trình ở đây. “Cô ấy cũng rất thích ca hát, vì thế chúng tôi có thể chia sẻ nhiều với nhau. Cô ấy vóc dáng nhỏ nhắn, tính nết dịu dàng, thanh lịch, tư chất thông minh, ham học và học giỏi. Những đức tính và phẩm hạnh ấy đã khiến tôi cảm mến” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hồi tưởng.
Nhắc đến kỷ niệm với bà Cẩm Tú, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại có lần bà Cẩm Tú hỏi ông: “Em rất thích bài hát Lê Quang Vịnh - người con quang vinh, anh Tuệ có biết tác giả của nó là ai không?”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trả lời: “Anh cũng không biết nữa, em hát cho anh nghe xem nào!”. Bà Cẩm Tú cất tiếng hát say sưa nhưng có lúc sai lời, có lúc lại sai nhạc. Thế là chàng trai du học sinh lúc đó phải vừa nghe vừa sửa lại cho đúng. “Có lẽ vì thế mà cô ấy nhận ra luôn rồi bảo “em biết rồi, đó là bản nhạc của anh”” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vui vẻ kể.
Sau sáu năm học tập tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, không nghỉ hè, không nghỉ đông, không chơi bời, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã thi đỗ tốt nghiệp với bằng xuất sắc. 21 môn thi thì có đến 19 môn đạt điểm 10, còn lại hai môn đạt điểm 9, đó là một thành tích đáng tự hào.
Cuối năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lấy bằng và trở về nước. Đầu năm 1973, ông kết hôn với mối tình bén duyên từ Bình Nhưỡng. Đám cưới của cặp đôi Tuệ - Tú diễn ra vào ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết một ngày.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15-5-1936 ở Nghệ An. Trước khi nghỉ hưu, ông công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Trung ương. Ông là tác giả của nhiều ca khúc như Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Lê Quang Vịnh - người con quang vinh, Xa khơi, Xuân về trên bản Nhắng, Về mỏ, Suối Mường Hum còn chảy mãi… |