Khoan bàn tới chuyện vi phạm chính những luật lệ đang có như quy định xử phạt vi phạm hành chính, quyền riêng tư cá nhân, điều khoản trên của dự thảo này vẫn vấp phải hàng loạt bất cập đến phi lý.
Ở góc độ một người dân chưa bao giờ ăn mặc hở hang khi ra đường, người viết cũng có thể chỉ ra những điểm vô lý đi ngược thời đại, ngược ý dư luận và ngược cả đà phát triển tự nhiên của con người.
Thời này là thời nào?
Trong các khẩu hiệu xây dựng các đô thị lớn trong cả nước, tiêu chí hiện đại, nghĩa tình luôn được đề cao. Thế nào là hiện đại? Nôm na đó là phát triển và tự do. Thời hiện đại là con người được cởi bỏ những rào cản gò bó, không cần thiết để tư tưởng được thực sự tự do, thúc đẩy óc sáng tạo.
Ăn, mặc, ở, đi lại là những hoạt động căn bản, thiết yếu nhất của con người… Thời này mà còn có chuyện bắt mặc cái này, không cho mặc cái nọ thì đến trẻ con nó cũng phản đối.
Thế nào là hở?
Thế nào là hở hang?
Câu này rất hóc búa, hở trên hay dưới, chiều ngang hay chiều sâu, hở là không có vải hay có vải mà cũng như không, hở bao nhiêu centimet thì được coi là hở hang? Nếu muốn phạt phải có quy định cụ thể, chỉ số rõ ràng, nếu không người đi phạt có nguy cơ bị kiện ngược.
Lúc bắt được “đối tượng” sẽ làm gì? Lấy thước ra đo hay kính lúp ra soi để xác định độ hở, còn ghi biên bản chứ. Khi thực hiện những việc này, người đi phạt coi chừng “ăn đạn” vì cố chỉ ra chỗ hở của đối phương mà quên là mình đang rất khiếm nhã.
Phân biệt phản cảm và gợi cảm thế nào?
Đối với nữ giới, gợi cảm chính là một nét đẹp. Nhu cầu được phô diễn, thưởng thức cái đẹp qua những bộ trang phục gợi cảm là vô cùng chính đáng của tất cả chúng ta. Phân biệt gợi cảm và phản cảm đôi khi rất rõ ràng nhưng có lúc lại rất khó khăn và đầy tính chủ quan. Nếu không làm rõ được căn cứ thì lấy gì để người bị phạt tâm phục khẩu phục.
Mặc hở đi đâu?
Các ngôi sao thường chọn cho mình những bộ trang phục gợi cảm để phô diễn vẻ đẹp.
Có thể giới showbiz, thiết kế thời trang… sẽ phản ứng với điều luật này mạnh nhất. Ai cũng biết khi đi dự sự kiện, dạo phố… diễn viên, ca sĩ thường diện những bộ cánh rất bắt mắt. Nếu muốn phạt, chỉ cần bước vào một sự kiện của showbiz chắc sẽ hốt được một rổ người đẹp với đủ loại trang phục xuyên thấu, cắt cúp táo bạo, thiếu trên, hụt dưới…
Tất nhiên có vài bộ váy thiếu thẩm mỹ trong số này nhưng tôi tin là các nhà thiết kế cũng sẽ khóc ròng nếu bắt họ chỉ được may những bộ váy kín.
Các nước cũng chỉ có thể phê bình, xử phạt trang phục không phù hợp ở một số địa điểm nhất định như đền chùa, lăng tẩm… Cái này thì ta cũng có rồi, mở rộng ra cả TP đâu có hợp lý.
Ai sẽ đi canh?
Lực lượng nào sẽ đảm nhận nhiệm vụ đi tuần tra, xử lý người ăn mặc hở hang, phản cảm. Hiện nay chúng ta đã đủ lực lượng để đi kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn những vấn nạn gây hại cho xã hội như trộm cắp, hành hung, giết người, ma túy, thực phẩm bẩn… chưa? Có khi nào khi chia quân đi xử lý váy hở thì sẽ có thêm một vụ hàng gian, hàng giả, rau tưới hóa chất sinh ra không?
Bêu tên ở đâu?
Báo chí nào sẽ đăng bảng bêu tên người mặc hở trong khi xã hội còn quá nhiều vấn đề khác cần phản ánh, đấu tranh? Nếu là lên án cái xấu thì xã hội còn cả tỉ hành vi khác xấu, ác, hại hơn một chút phóng khoáng trong ăn mặc của thiên hạ.
Chỉ nên có khuyến cáo về trang phục ở những nơi nhất định như đền, chùa, lăng tẩm.
Nói kiểu báo chí thì đây là dạng đề tài không có bạn đọc, ngoại trừ khuyến khích trí tò mò, bới móc của một nhóm thiểu số. Ai trả tiền để đọc những cái tên này? Ngoài ra, bêu bao nhiêu cho đủ, một hay hai trang, chi phí ở đâu ra trong khi hiện nay tờ báo nào gồng gánh phần nội dung của mình cũng đã đủ… đuối.
Đó là chưa kể đến chuyện bêu tên người ăn mặc hở hang là phạm luật (theo Điều 72 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chỉ được bêu tên trong 14 trường hợp vi phạm hành chính bị xử phạt, trong đó không có trường hợp này).
Đố lấy được tên người vi phạm
Vấn đề là vậy, nếu họ đã mặc thiếu vải thì chỗ để cất giấy tờ tùy thân đã ít hẳn đi rồi. Họ nói không mang theo giấy tờ thì lực lượng chức năng sẽ làm gì, chẳng lẽ lục soát người. Lúc này lực lượng chức năng hoàn toàn có thể vi phạm pháp luật chỉ để bảo vệ một quy tắc ứng xử. Một cái tên thôi mà, muốn nói tên gì mà không được, việc bêu tên lúc đó sẽ hoàn toàn vô giá trị.
Có thể thấy quy định này không có lợi cho ai mà còn gây ra nhiều phản ứng bất đồng trong xã hội, làm tăng sự chống đối trong dư luận người dân đối với các cơ quan chức năng. Tóm lại là lợi bất cập hại.
Phải khách quan thừa nhận rằng Quy chế ứng xử nơi công cộng của Hà Nội có nhiều điểm khuyên cộng đồng nên làm khá là hay, ví dụ không được đun nấu trên vỉa hè (đây là hiện tượng phổ biến làm mất mỹ quan đô thị thủ đô).
Vì vậy, chỉ cần bỏ đi phần kỷ luật ở Điều 13, trong đó có quy định "các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng", đồng thời không đưa vào những quy định mang tính cảm tính (ví dụ như ăn mặc hở hang) thì người dân sẽ hưởng ứng thôi.