78.000 dân sơ tán vì bão

“Lúc 4 giờ sáng 15-10, bão số 11 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, tức từ 103 đến 133 km/giờ, giật cấp 14” - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo.

Tâm bão ở Đà Nẵng

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, tâm bão đổ bộ vào TP Đà Nẵng, khu vực đèo Hải Vân khiến mực nước trên các sông dâng rất nhanh. Trong ngày 15-10, phía Bắc đèo Hải Vân có mưa lớn. Khu vực miền núi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lượng mưa từ 400 đến 600 mm, có thể xảy ra lũ quét, sạt lở.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định cơn bão số 11 mạnh hơn cơn bão số 10 vừa qua, sức tàn phá tương đương hoặc mạnh hơn “siêu bão” Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006. Trong đêm 14-10, bộ trưởng đã yêu cầu phải di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân tại quận Ngũ Hành Sơn và âu thuyền Thọ Quang. Tổng cộng, TP Đà Nẵng phải sơ tán hơn 15.500 hộ dân với 55.200 người. Toàn bộ học sinh được nghỉ học, các chuyến bay phải đình hoãn.

78.000 dân sơ tán vì bão ảnh 1

Người dân xã Lộc Vĩnh (Thừa Thiên-Huế) trú bão tại Trường Tiểu học Lộc Vĩnh. Ảnh: V.LONG

Quê nghèo chạy bão

Từ chiều 14-10, hàng trăm người dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã mang theo quần áo, chăn màn, mì tôm đến các trường học, UBND xã trú ẩn. Nhiều người phải dùng lưới đánh cá phủ lên nhà vì sợ tốc mái. Giữa đêm tối không ánh điện, nhiều người chia sẻ nhau từng gói mì tôm ăn sống.

“Năm 2006 nơi đây từng bị một trận bão mạnh quét qua làm gần 300 ngôi nhà bị tốc mái và sập hoàn toàn. Tôi rất lo sợ những hình ảnh tan hoang năm đó sẽ tiếp diễn thêm một lần nữa…” - bà Trần Thị Hai, 80 tuổi, thôn Bình An 1 hồi hộp.

Đến 7 giờ trời bắt đầu mưa lớn, gió giật mạnh. Ngồi trú bão trong Trường Tiểu học Lộc Vĩnh, bà Nguyễn Thị Hương, 70 tuổi, thôn Bình An 1 lo sợ: “Gia đình tôi vừa được xã cấp cho căn nhà tình thương, mái lợp bằng fibro. Nếu bão vào chắc nó sẽ bay mất mái. Cuộc sống khó khăn, miếng ăn đã khó kiếm nay bão vào người dân sao thoát được cảnh đói khổ…”.

Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết đến 20 giờ đã có trên 300 hộ dân với 1.200 người đến nơi trú ẩn an toàn. “Nhiều đường dây điện trong xã đã bị đứt, cây gãy đổ. Dự báo thiệt hại do bão gây ra rất lớn, vì nhà ở đây chủ yếu lợp bằng fibro nên rất dễ bị tốc mái, đổ sập”.

Quảng Bình, Quảng Trị: Mưa lớn kèm gió mạnh. Chiều tối 14-10, trên địa bàn hai tỉnh có mưa rất lớn kèm theo gió mạnh. Nhiều huyện của tỉnh Quảng Trị bị mất điện. Đến 19 giờ, công tác di dời dân các xã ven biển và ven triền núi, gần sông suối của hai tỉnh cơ bản hoàn thành.

Quảng Nam: Di dời 1.200 du khách. Cùng với việc sơ tán 6.000 hộ dân ở vùng trũng ven biển, tỉnh cũng chỉ đạo TP Hội An khẩn cấp đưa khoảng 1.200 du khách đang lưu trú tại 10 khách sạn ven biển tới nơi an toàn. Nhiều cây cối bật gốc nằm chỏng chơ trên đường. Hàng chục nhà dân bị tốc mái. Trên đường phố, nhiều người đi xe máy bị quật ngã vì gió cực lớn.

Thừa Thiên-Huế: Hai thiếu niên bị sóng biển cuốn mất tích. Lúc 19 giờ, khoảng 3.500 hộ dân ở các vùng nguy hiểm đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Đáng lo ngại nhất là Nhà máy thủy điện Hương Điền vẫn không chịu xả nước để đón lũ khi bão số 11 tràn vào. Đến tối, hai thiếu niên bị sóng biển cuốn mất tích là Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Bảo (thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) vẫn chưa được tìm thấy.

Quảng Ngãi: Thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Gió mạnh cấp 10 đã làm tốc mái nhiều nhà dân trên huyện đảo Lý Sơn, 150 ha hành sắp thu hoạch bị hư hỏng. Ước thiệt hại ban đầu hàng chục tỉ đồng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh đặc biệt chú ý đến việc quản lý an toàn hồ đập.

Phú Yên: Sóng biển đánh sập nhà. Tối 14-10, sóng lớn liên tục tấn công các khu dân cư ven biển của TP Tuy Hòa. Có 23 ngôi nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 250 m đường ven biển bị sạt lở, 25 m tường rào của một doanh nghiệp thu mua cá bị đánh sập.

Bão số 11 suy yếu. Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 11 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 15-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam Lào. Trong ngày, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

TP.HCM có thể ngập nặng. “Mưa lớn, triều cường cùng với xả lũ là ba tổ hợp có thể xuất hiện cùng lúc gây ngập nặng cho TP.HCM trong những ngày tới”. Đây là cảnh báo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM. Từ ngày 14 đến 18-10, đỉnh triều ở trạm Phú An (sông Sài Gòn) sẽ dao động từ 1,32 m đến 1,39 m.

Vietnam Airlines hủy 22 chuyến bay. Trong ngày 14-10 Vietnam Airlines đã hủy 14 chuyến bay, còn ngày 15-10 tiếp tục hủy thêm tám chuyến nữa.

78.000 dân sơ tán vì bão ảnh 2

Lúc 22 giờ 30, trên đường đi vào tâm bão (Nam Hải Vân), chúng tôi chứng kiến hàng chục cây cối bị gió quật ngã. Dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành, sóng cao 5 m đánh rất mạnh vào bờ kè. Trong đêm, gần 100 hộ dân làng Vân phải di dời vào các trường học. Rạng sáng 15-10, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã tránh bão cùng với họ.

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm