Rối loạn dạng cơ thể, bệnh gì lạ vậy?

(PLO)- Những người bị rối loạn dạng cơ thể thường đi kiểm tra sức khỏe rất nhiều lần, yêu cầu được xét nghiệm, điều trị. Song, trên thực tế, họ không hề gặp vấn đề sức khỏe thể chất nào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong công việc khám chữa bệnh hằng ngày, bác sĩ lâm sàng như chúng tôi tiếp xúc rất nhiều với những bệnh nhân đến khám với một vài triệu chứng rất mơ hồ về một cơ quan nào đó trong cơ thể họ. Thường thì những bệnh nhân này đã khám rất nhiều nơi, làm nhiều các biện pháp thăm dò chức năng.

Bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể thường không biết về vấn đề tâm thần tiềm ẩn của họ và tin rằng họ mắc bệnh thực thể. Vì vậy họ thường tiếp tục yêu cầu bác sĩ thực hiện các thăm dò và điều trị bổ sung, muốn lặp lại mặc dù kết quả trước đó là bình thường.

rối loạn dạng cơ thể
Người bị rối loạn dạng cơ thể thường cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng họ đang mắc phải bệnh lý nào đó khá nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ: AI

Rối loạn dạng cơ thể là gì?

Rối loạn dạng cơ thể là một nhóm rối loạn tâm thần gây ra các triệu chứng không giải thích được. Chúng bao gồm rối loạn liên quan đến các triệu chứng một hoặc nhiều cơ quan, các triệu chứng chức năng cảm giác hoặc vận động, rối loạn đau, nghi ngờ bệnh, rối loạn dị dạng cơ thể (mối bận tâm về một khiếm khuyết thực thể hoặc tưởng tượng về rối loạn thể chất)…

Nếu đọc định nghĩa trên có lẽ đến các bác sĩ không thuộc chuyên ngành tâm thần cũng khó mà hiểu hết, vậy thì sao bạn đọc có thể hiểu được? Để bạn đọc hiểu được rối loạn dạng cơ thể là gì, sau đây là một vài ví dụ mà chúng tôi đã gặp trên thực tế.

Một bệnh nhân nam 60 tuổi, đến khám với chỉ một triệu chứng đau, nóng rát vùng thượng vị (tương ứng với vị trí và triệu chứng của bệnh lý dạ dày). Bệnh nhân khai đã khám 29 bác sỹ trên toàn quốc, với kết quả nội soi, siêu âm chụp chiếu, xét nghiệm HP… được chứa trong một thùng carton.

Sau khi đọc toàn bộ hồ sơ khám của bệnh nhân, chúng tôi không thấy bất kỳ một tổn thương thực thể nào, không có loét, không viêm dạ dày, cắt lớp vi tính (CT Scaner) bình thường, không có HP… Vậy vì sao bệnh nhân nóng rát, khó chịu vùng thượng vị?

Tương tự, một bệnh nhân nữ 37 tuổi đến khám với triệu chứng đau ngực sau xương ức, kèm theo khó thở (triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch). Cơn đau không liên quan đến gắng sức, có khi đau khi nghỉ ngơi, bệnh nhân có khó ngủ. Triệu chứng đau ngực này bắt đầu từ hai năm nay, sau khi mẹ mất vì một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

Sau khi cho bệnh nhân làm các thăm dò tim mạch như: Điện tim thường, điện tim gắng sức, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, các chất chỉ điểm sinh học tim mạch…tất cả đều trong giới hạn bình thường. Bác sĩ kết luận chị không có bệnh lý tim mạch. Chị thắc mắc: "Tôi không có bệnh tim sao tôi đau vùng trước tim?".

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 50 tuổi, mãn kinh đã hai năm, tới khám và than phiền với bác sĩ về triệu chứng hồi hộp, khó thở, đi tiểu tiện liên lục làm mất ngủ kéo dài, kèm theo là các triệu chứng của cơ quan sinh dục.

Bệnh nhân bị bác sĩ sản phụ khoa từ chối điều trị vì làm tất cả các thăm dò vẫn không tìm thấy một dấu hiệu bất thường thực thể nào của vùng bụng dưới nhưng bệnh nhân vẫn liên tục yêu cầu bác sỹ kiểm tra lại nhiều lần! Bệnh nhân không muốn khám chuyên khoa tâm thần vì sợ mang tiếng bị “điên”.

Triệu chứng bệnh rất mơ hồ

Rất nhiều bệnh nhân đến khám tim mạch vì có triệu chứng tựa như bệnh tim mạch: Hồi hộp, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, bệnh nhân có cảm giác nghẹn từ ngực lên cổ như có vật gì đó chẹn lại (kiểu như cảm giác tim to ra chẳng hạn)…

Nói chung triệu chứng của bệnh nhân rất mơ hồ, không cụ thể của một cơ quan nào. Những rối loạn có tính đặc trưng bởi bệnh nhân có những suy nghĩ, cảm xúc và mối quan ngại quá mức về chúng, đặc biệt là phần lớn bệnh nhân rối loạn lo âu rất khó ngủ, mất ngủ làm nặng nề thêm tình trạng bệnh.

Người gặp phải rối loạn dạng cơ thể thường cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng họ đang mắc phải bệnh lý nào đó khá nghiêm trọng. Họ thường đi kiểm tra sức khỏe rất nhiều lần, yêu cầu được xét nghiệm, điều trị. Song, trên thực tế, đa phần bệnh nhân không hề gặp vấn đề sức khỏe thể chất nào. Hiện tượng này xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, có thể bạn đang có quá nhiều vấn đề lo lắng, áp lực về sức khỏe.

Các dạng của rối loạn dạng cơ thể thường gặp trên lâm sàng:

• Rối loạn cơ thể hoá: Bệnh nhân than phiền rất nhiều triệu chứng như đau đầu, đau lưng, đau cổ, tiêu chảy, táo bón, khó nuốt, buồn nôn, kinh nguyệt không đều…

• Rối loạn chuyển dạng: Bệnh nhân có thể có các cơn co giật không điển hình. Bệnh nhân có thể khai bị mù, câm, điếc, liệt hoàn toàn nhưng lại không teo cơ, khám phản xạ gân xương bình thường. Triệu chứng càng nặng nếu có nhiều người chú ý và hỏi thăm.

• Rối loạn nghi bệnh: Bệnh nhân thường nghĩ mình đang mắc phải một bệnh nan y cần phải được điều trị và không tin tưởng vào kết luận của bác sỹ.

• Rối loạn đau: Bệnh nhân đau rất nhiều mặc dù không tìm thấy tổn thương thực thể. Đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau.

• Rối loạn sợ biến dạng cơ thể: Bệnh nhân quá bận tâm vào các khuyết điểm của cơ thể do tưởng tượng hoặc do một khiếm khuyết nhỏ, đặc biệt là ở mặt.

Nếu bệnh nhân đến khám với các triệu chứng như trên, sau khi bác sỹ kiểm tra tất cả các xét nghiệm thăm dò và loại trừ tổn thương thực thể thì bác sỹ sẽ chẩn đoán bạn bị rối loạn dạng cơ thể (theo phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 là F45).

Điều trị rối loạn dạng cơ thể tập trung vào việc kiểm soát rối loạn hơn là chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc. Liệu pháp tâm lý thích hợp, duy trì mối quan hệ hợp tác và giáo dục tâm lý với bệnh nhân là rất quan trọng, giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần khi cần thiết, khi đó các bác sỹ tâm thần sẽ dùng thêm một số loại thuốc để kiểm soát các rối loạn.

Đừng "đọc" cơ thể mình quá mức

Tóm lại, rối loạn dạng cơ thể là một rối loạn cơ năng, các triệu chứng không đại diện cho tổn thương một cơ quan nào, không quá nguy hiểm nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bởi luôn mang nỗi lo âu trong người. Rối loạn dạng cơ thể có thể chữa khỏi, điều trị chủ yếu là sự giáo dục tâm lý, bệnh nhân tự kiểm soát các rối loạn dựa vào năng lượng của cơ thể, nếu cần có thể dùng thuốc theo chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Chăm sóc bản thân đúng cách theo khoa học, đừng quá lo lắng và đừng "đọc" cơ thể mình quá mức, hãy thả lỏng để cho bộ máy hoàn hảo nhất là cơ thể bạn chuyển động, đừng bi quan, hãy đặt niềm tin vào khoa học!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm