Ngày 8-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử đại án Việt Á, với phần luận tội của đại diện VKS.
Ông Nguyễn Thanh Long bị đại diện VKS đề nghị mức án 19-20 năm về tội nhận hối lộ, vì cáo buộc đã nhận 2,2 triệu USD từ bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, luật sư Trần Nam Long mong HĐXX lưu ý xem xét ông Long và các bị cáo làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, khi làm sai đều nằm trong bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.
Các sai phạm ông Long bị cáo buộc đều diễn ra vào thời điểm tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca tử vong ngày càng tăng cao, kit test nhập khẩu có giá rất cao và các nước tranh giành rất gay gắt nên không thể mua được.
Về cấp phép tạm thời, khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, ông Long được phân công làm công tác truyền thông, không được phân công nhiệm vụ liên quan đến cấp phép test. Ông Nguyễn Thanh Long chỉ thúc giục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ban chỉ đạo trong tình trạng vẫn nghĩ test đó là của Học viện Quân y.
Đối với việc cấp phép chính thức, luật sư nêu nhiệm vụ cấp phép hoặc rút giấy phép được phân công cho 2 Thứ trưởng và các bộ phận giúp việc liên quan, các tờ trình liên quan đến cấp test chẩn đoán của Việt Á đều gửi cho hai thứ trưởng khác, không gửi cho ông Long để chỉ đạo.
Ông Long chỉ đôn đốc chung các đầu việc chống dịch, trong đó có việc cấp phép đối với tất cả các loại test xét nghiệm trong các buổi giao ban.
Các Biên bản giao ban đã thể hiện rõ nội dung này, có169 loại test chẩn đoán khác nhau đã được Bộ Y tế cấp phép. Thực tế, Việt Á không phải đơn vị duy nhất được cấp phép test chẩn đoán.
Việc hiệp thương giá đã được giao cho Thứ trưởng khác phụ trách. Ông Long chỉ là người ký Quyết định thành lập tổ công tác hiệp thương giá.
Về vấn đề kiểm tra giá hiệp thương, khi ông Long nhận được báo cáo về việc Việt Á đã thay đổi nguyên liệu sản xuất test và ngay lập tức, ông Long đã có bút phê: “Báo cáo ngay Thứ trưởng Cường để chỉ đạo xử lý theo quy định”. Sau đó, ông Long không nhận được thêm thông tin liên quan đến vấn đề này.
Từ đó, luật sư mong HĐXX và đại diện VKS xem xét lại cáo buộc “mặc dù được Đoàn kiểm tra báo cáo sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất Test xét nghiệm của Công ty Việt Á, có ý kiến đề nghị rút số đăng ký lưu hành nhưng không chỉ đạo xử lý, ban hành kết luận kiểm tra, rút số đăng ký lưu hành” mà VKS đã kết luận đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Về thời điểm nhận tiền, ông Long nhận tiền từ Phan Quốc Việt lần đầu tiên vào tháng 12-2020, lần nhận tiền cuối vào tháng 11-2021. Hai sự kiện này diễn ra sau thời điểm Bộ Y tế cấp phép test xét nghiệm tạm thời, Bộ Tài chính hiệp thương giá lần lượt là 9 tháng và 20 tháng.
Theo luật sư, tại thời điểm việc cấp test tạm thời, chỉ đạo hiệp thương giá và các sự kiện khác diễn ra, bị cáo Long đã thực hiện nhiệm vụ một cách không vụ lợi. Việc bị cáo Phan Quốc Việt đưa tiền là sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh sản phẩm test xét nghiệm có lợi nhuận.
"Nếu ông Long có ý định gợi ý, đòi hỏi thì phải thực hiện trước hoặc gần thời điểm cấp phép hay hiệp thương giá chứ không phải là 9 tháng hoặc thậm chí là 20 tháng sau"-luật sư nhấn mạnh.
Ngoài ra, luật sư cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho ông Nguyễn Thanh Long như đã nộp toàn bộ số tiền đã nhận trong giai đoạn điều tra, thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.
Tiếp đó, luật sư nêu các thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, ông Long là GS.TS, là bác sỹ, nhà khoa học có nhiều đóng góp trong giai đoạn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Long đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như rối loạn chứng ngưng thở khi ngủ và mắt trái hầu như mất hẳn thị lực do bệnh bong đáy võng mạc không được chữa trị kịp thời do sang chấn tâm lý, mất ngủ.
Từ những nội dung trên, luật sư mong HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình đối với ông Nguyễn Thanh Long.