Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh về tâm thần

(PLO)- Ngày càng nhiều người trong độ tuổi 16-30 mắc bệnh về tâm thần, nguyên nhân chính đến từ áp lực công việc, học tập, gia đình, xã hội…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Phòng khám ĐH Y Dược 1 TP.HCM, bệnh nhân LTN (nam, 18 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám trong tình trạng mất ngủ, đau dạ dày, không thể ngồi yên, hay bồn chồn, bất an không rõ lý do.

Bệnh nhân mắc bệnh về tâm thần.jpg
BS CKII Trần Minh Khuyên trò chuyện với một bệnh nhân mắc bệnh về tâm thần đến khám do gặp áp lực chuyện gia đình. Ảnh: VÕ THƠ

Áp lực từ chính gia đình

Bệnh nhân tâm sự vì áp lực thành tích học tập và sự kỳ vọng của gia đình nên thường học bài xuyên đêm, có sử dụng chất kích thích để duy trì sự tỉnh táo. Tình trạng này kéo dài hai tháng khiến bệnh nhân không chịu được và đi khám.

Trước đó, bệnh nhân từng mắc bệnh về tâm thần, phải điều trị bằng thuốc. Sau một thời gian, thấy tình hình sức khỏe tạm ổn nên bệnh nhân tự dừng uống thuốc. Đến nay, gặp áp lực từ việc học nên bệnh tái phát.

Trường hợp khác là bệnh nhân TTH (nữ, 24 tuổi, ngụ TP.HCM), được gia đình đưa đến khám sau khi tự tử không thành do bị trầm cảm nặng. Khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân luôn bị áp đặt, quản lý chặt từ gia đình nên cảm thấy mất tự do, không được làm nhiều việc theo sở thích. Từ đó dẫn đến mất động lực sống, bị trầm cảm nặng.

Đỉnh điểm là khi gia đình định sẵn hôn sự, không cho con sự lựa chọn khiến bệnh nhân “tức nước vỡ bờ”, nghĩ quẩn rồi tự vẫn “để được giải thoát”.

Khoảng 15%-20% người bệnh do không thừa nhận có vấn đề về tâm thần hoặc mặc cảm bệnh nên đến khi bệnh đã nặng mới đến chuyên khoa tâm thần để thăm khám, điều trị.

NVA (nam, 24 tuổi), bệnh nhân mắc bệnh về tâm thần, đến khám về tâm thần tại BV Quân y 175 với triệu chứng lo lắng, mất ngủ, gặp ảo giác. Bệnh nhân A kể mình là con một nên được gia đình đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2021, sau khi nhập học tại một trường đại học có tiếng ở TP.HCM, do không theo kịp chương trình nên bệnh nhân buồn bã, thất vọng.

Thấy vậy, gia đình đã chuyển trường cho con nhưng bệnh nhân vẫn gặp khó khăn, không thể theo nổi. Suy nghĩ nhiều vì không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, tự cho rằng mình kém cỏi, bệnh nhân đã sử dụng bóng cười một thời gian dài.

Do tinh thần vẫn suy sụp nên gần đây bệnh nhân lén dùng ma túy tổng hợp và xuất hiện loạn thần, phải vào BV cấp cứu. Hiện bệnh nhân đã nghỉ học để tập trung điều trị.

Không nên dừng uống thuốc đột ngột

Khi mắc bệnh về tâm thần, nếu điều trị ngắt quãng sẽ khiến bệnh tái đi tái lại. Do đó, khi tâm lý dần ổn định, người bệnh không nên dừng uống thuốc đột ngột mà phải dùng thuốc duy trì theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, gia đình cần phải quan tâm, để ý những hành vi của bệnh nhân tâm thần. Đồng thời thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe tâm tư của người bệnh, tránh vô tình gây áp lực cho người bệnh thêm căng thẳng.

BS TRẦN MINH KHUYÊN, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám BV ĐH Y Dược 1 TP.HCM

Dễ nhầm nên hay khám “lạc” chuyên khoa

BS CKII Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám BV ĐH Y Dược 1 TP.HCM, cho biết hiện một số người vẫn quan niệm rằng người mắc bệnh về tâm thần là những người mất trí, không có ý thức… Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm.

“Khi thấy những người xung quanh có dấu hiệu như ít nói, hay thở dài, tránh sinh hoạt chung, lo lắng, nhạy cảm thái quá, gương mặt trầm buồn… là khi họ cần được quan tâm và giúp đỡ” - BS Khuyên nói.

Cũng theo BS Khuyên, không ít người mắc các bệnh lý về tâm thần bị nhầm lẫn với bệnh khác, dẫn đến đi khám “lạc” chuyên khoa. Chẳng hạn, với hội chứng rối loạn lo âu có thể xuất hiện mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, đau dạ dày, tay run, người vã mồ hôi… thì người bệnh khi mất ngủ lại đi khám thần kinh; tim đập nhanh, hồi hộp lại đi khám tim mạch… Như vậy là vấn đề không giải quyết được tận gốc.

Theo Đại tá, BS CKI Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV Quân y 175, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và tư vấn tâm thần tại BV Quân y 175 thời gian qua có tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là áp lực từ học tập của học sinh, sinh viên; áp lực mau giàu, sớm thành công với người đi làm; kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội của người trẻ chưa có sự cân bằng trong khi mặt trái của mạng xã hội không được kiểm soát…

Cũng theo BS Ca, bệnh tâm thần, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm có nhiều triệu chứng nên người bệnh hay đi khám các chuyên khoa khác nhau trước khi nghĩ đến khám tâm thần. Khoảng 15%-20% người bệnh do không thừa nhận hoặc mặc cảm bệnh nên đến khi bệnh đã nặng mới đến chuyên khoa tâm thần để thăm khám, điều trị.

“Để giữ tinh thần khỏe mạnh trước cuộc sống áp lực như hiện nay, người trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vượt qua những áp lực từ xã hội và thay đổi của cuộc sống. Tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý. Khi có cảm xúc bất lợi, hãy tìm chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ” - BS Ca khuyến cáo.•

Người bệnh không chịu đi khám, phải làm sao?

Với người bệnh không chịu đi khám, người thân có thể tranh thủ lúc người bệnh đang có một bệnh nào đó như đau đầu, đau chân hay đau bụng... thì đưa đến BV khám. Hoặc cũng có thể mời bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến nhà nói chuyện với bệnh nhân như một người quen tình cờ đến chơi. Bác sĩ sẽ có cách tư vấn để bệnh nhân hợp tác.

Ngoài ra, người nhà có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần, kể cho bác sĩ nghe những triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhân để bác sĩ có hướng chẩn đoán bệnh và kê toa thuốc điều trị. Sau đó, tìm cách cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

BS NGUYỄN VĂN HƯỜNG, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần BV Quân y 175

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm