Thường trực HĐND TP.HCM vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2022.
HĐND TP lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp (DN) du lịch, đồng thời cũng đưa ra chính sách, giải pháp liên quan đến việc hỗ trợ, phát triển ngành du lịch.
"Tránh tình trạng có sông lại không có đò"
Trao đổi tại hội nghị, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài TP.HCM cho biết, TP có 7 bảo tàng công lập và nhiều bảo tàng ngoài công lập sau dịch nguồn thu dường như không còn nữa. Ngành bảo tàng bị "chảy máu chất xám" vì miếng cơm manh áo người làm bảo tàng đã chuyển nghề.
Bà Vân kiến nghị: TP.HCM cần có nhiều chính sách không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần. Trước dịch TP.HCM có trợ cấp văn bằng thỏa đáng nhưng sau dịch đã không còn phù hợp nữa, phần trợ cấp này cần sự điều chỉnh.
"TP.HCM có sản phẩm du lịch cũ nhưng sau dịch chưa được nâng cấp chất lượng cao hơn. Chúng ta mải mê tìm sản phẩm mới nhưng quên đi sản phẩm vốn có."- bà Vân nói.
Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2022 do HĐND tổ chức. |
Cũng như bao DN khác, bà Đặng Thị Thi Thanh, Phó Tổng giám đốc Benthanhtourist, cho hay khó khăn về dòng tiền và vốn vay là mối lo rất lớn là lãi vay. Việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng cũng khó.
"Tôi đề xuất HĐND xin cơ chế đặc thù cho DN du lịch trong công tác tiếp cận nguồn vốn cũng như chính sách ưu đãi. Chúng tôi mong muốn duy trì các gói hỗ trợ, chính sách ưu đãi đến hết năm 2023." - bà Thanh đề xuất.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, cũng ý kiến hiện du lịch chỉ mới dừng lại ở mảng du lịch nội địa, cấu thành giá cao thì khoảng biên lợi nhuận về DN rất thấp. Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung khách du lịch inbound và outbound.
Về hạ tầng giao thông cần đồng bộ, làm sao các chương trình tour không bị "cháy", chương trình tham quan của du khách một cách trọn vẹn.
Là đơn vị chuyên các tour du lịch đường thủy, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng: TP.HCM có rất nhiều sông nhưng có sông lại không có đò (bến), đi suốt 4 tiếng đồng hồ lại không có đò. Do vậy, DN cần được TP quan tâm, khuyến khích để tránh tình trạng có sông mà không có đò.
"Ngoài ra, bất cập kinh doanh trong đường thủy, việc xây dựng bến thủy nội địa là vô cùng khó khăn do điều kiện khó khăn. Chúng ta không cởi mở, lại tự gây khó khăn thì đó là gây cản trở, siết chặt kiểm soát". - ông Anh nói.
8 giải pháp ngành du lịch
TP.HCM đặt ngành du lịch là ngành công nghiệp không khói có đóng góp quan trọng trong GDP của TP.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: TP cần xác định sản phẩm đặc trưng, đồng thời nâng cấp sản phẩm, nâng cao chất lượng nghiệp vụ. TP.HCM là nơi có dịch vụ tốt nhất nhưng so với yêu cầu đặt ra thì chưa đạt mong muốn, nếu không nâng chất dịch vụ thì khách du lịch sẽ đi. Vì vậy, chúng ta phải làm sao họ quay lại và chi tiêu nhiều hơn.
Để TP.HCM trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận định: "Tôi cho rằng chúng ta cần nhận thức việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành du lịch hay của một cơ quan nào."
TIÊU ĐIỂM
Theo thống kê, chín tháng đầu năm 2022 TP.HCM đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế và 21,6 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 92.376 tỉ đồng, tăng 15,5% so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo nên điểm sáng cho kinh tế của TP.HCM.
Bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM và sở, ngành cần quan tâm 8 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, UBND TP chỉ đạo hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, xây dựng chiến lược từng giai đoạn với Đề án du lịch thông minh trong tổng thể Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Thứ hai, ngành du lịch cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội sự kiện, sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm.
Thứ ba, tăng cường công tác thống kê du lịch và nghiên cứu thị trường làm cơ sở xây dựng các kế hoạch phát triển và công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông và quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ và số hóa trong công tác truyền thông.
Thứ năm, xây dựng mối liên kết vùng để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, nhất là liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Thứ sáu, ngành du lịch tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng số lượng và chất lượng.
Thứ bảy, trong công tác quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu.
Cuối cùng, ngành du lịch cần có các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho khách trong và ngoài nước như quy định đỗ xe, an toàn thực phẩm...
Tạo dấu ấn cho TP.HCM bằng lễ hội lớn
Bà Lê Quỳnh Thư, Giám đốc Apex MultiMedia chia sẻ: "Chúng tôi muốn có tổ chức lễ hội tạo dấu ấn cho TP.HCM vì hiện các lễ hội chưa có sự đồng bộ giữa các cơ quan ban, ngành".
Bà Thư đề xuất một số lễ hội ở TP.HCM như Lễ hội công nghệ và ánh nắng; Lễ hội Âm nhạc đương đại...
Theo bà Thư, TP.HCM có dư tài nguyên đi đầu về kinh tế đêm, TP cần cho phép mở thêm khu vui chơi, ăn uống tập trung mở đến 4 giờ sáng. Những khu vực này đảm bảo an ninh tốt, đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời mở thêm sân khấu du lịch.