Ngày 14-12, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua đơn vị, địa phương đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo của trung ương, của Tỉnh ủy và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh năm 2025 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, đất nước, của tỉnh, đây cũng là năm về đích, quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025.
Từ thực tiễn đó, ông Tuấn nêu ra tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đưa Thanh Hóa cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cụ thể, tỉnh cần tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên từng ngành, lĩnh vực, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.
Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, vươn mình cùng cả nước.
Tập trung rà soát, xây dựng bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm kỹ lưỡng các điều kiện, nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động hiệu quả...
Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác bầu cử, kiện toàn, bố trí, sắp xếp cán bộ sau Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Một nhiệm vụ khác là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp... Cùng đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống, chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án quan trọng của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có chọn lọc. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ngành, lĩnh vực mới.
Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các cấp, các ngành phải luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng văn hóa, du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và phấn đầu đến tháng 9-2025 toàn tỉnh có 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa.
Nhiệm vụ cuối cùng là thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, không để tội phạm gia tăng; đảm bảo an toàn giao thông, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để vụ việc phức tạp, phát sinh thành điểm nóng.
"Những nhiệm vụ năm 2025 đặt ra là hết sức nặng nề và có ý nghĩa rất quan trọng, vì thế các cấp, các ngành, địa phương phải phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức" - Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng yêu cầu đơn vị, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra vững bước cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới.