Á, Âu quy định nồng độ cồn khi lái xe ra sao và ảnh hưởng gì tới kinh tế đêm?

(PLO)- Các quốc gia trên thế giới quy định như thế nào về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông và quy định đó ảnh hưởng thế nào tới kinh tế đêm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an Việt Nam vừa công bố dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua). Trong dự luật có một điểm đáng chú ý là hành vi cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức chỉ được lái xe khi nồng độ cồn bằng 0.

Theo dòng thời sự, thời gian qua báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải một số bài viết gồm “Thổi nồng độ cồn có ảnh hưởng đến nền kinh tế đêm?” và “Quán ế không thể đổ thừa khách bị CSGT thổi nồng độ cồn”.

Các bài viết đều nhận sự quan tâm rất lớn từ độc giả với hai luồng ý kiến trái chiều: ủng hộ và phản đối việc CSGT xử phạt nếu phát hiện lái xe có cồn.

Cùng tìm hiểu các nước trong khu vực và thế giới quy định về vấn đề này ra sao, và chúng có ảnh hưởng gì đến kinh tế đêm hay không?

Châu Á quy định nghiêm về nồng độ cồn

Nhìn chung, các nước châu Á đều quy định rất rõ về hành vi lái xe khi uống rượu, bia. Các nước đều chia cụ thể khung hình phạt tuỳ mức độ say xỉn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhật và Hàn Quốc trước đây quy định nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện giao thông là dưới 50 mg/100 ml máu, tuy nhiên sau đó đã giảm xuống còn dưới 30 mg/100 ml máu.

nồng độ cồn
Cảnh sát kiểm tra mức độ tỉnh táo của người lái xe ở Seoul. Ảnh: THE KOREA TIMES

. Cụ thể đối với Hàn Quốc, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn từ 30 mg/100 ml máu đến dưới 80 mg/100 ml máu có thể bị phạt tới 1 năm tù hoặc bị phạt tối đa 5 triệu won (92 triệu VNĐ); nồng độ cồn từ 80-200 mg/100 ml máu có thể bị phạt tới 2 năm tù hoặc bị phạt tối đa 10 triệu won (184 triệu VNĐ); nồng độ cồn vượt 200 mg/100 ml máu có thể bị phạt tới 5 năm tù hoặc bị phạt tối đa 20 triệu won (369 triệu VNĐ).

Người nào từ chối đo nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 5 năm tù hoặc bị phạt tối đa 20 triệu won.

. Đối với Nhật, theo trang web englishlawyersjapan.com, vào năm 2002 Nhật ra quy định mức nồng độ cồn cho phép khi lái xe là 30 mg/100 ml máu hoặc 0,15 mg/ lít khí thở.

Nếu người lái xe vượt một trong hai mức quy định trên thì có thể bị coi là lái xe trong tình trạng không tỉnh táo (DUI) hoặc lái xe trong tình trạng say xỉn (DWI), tùy thuộc vào mức độ tập trung của người lái xe.

Người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá 30 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tới 5 năm tù hoặc 1 triệu yen (163 triệu VNĐ); nồng độ cồn vượt mức 0,15 mg/lít khí thở đến dưới 0,25 mg/lít khí thở có thể bị đình chỉ giấy phép lái xe trong 90 ngày, bị phạt tới 3 năm tù hoặc 500.000 yen (81 triệu VNĐ); nồng độ cồn từ 0,25 mg/lít khí thở trở lên có thể bị thu hồi giấy phép lái xe ít nhất 2 năm, bị phạt tới 5 năm tù hoặc 1 triệu yen.

. Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở Singapore có nới lỏng hơn so với các nước trên, khi Đạo luật Giao thông Đường bộ của Singapore quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe ở mức 80 mg/100 ml máu hoặc 0,35 mg/lít khí thở.

Theo tờ The Straits Times, lỗi uống rượu bia khi lái xe có thể bị phạt tới 10.000 USD (khoảng 230 triệu VNĐ) và bị phạt tù 1 năm cho lần vi phạm đầu tiên. Những người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tới 20.000 USD (khoảng 460 triệu VNĐ) và phạt tù tới 2 năm. Người vi phạm cũng sẽ bị cấm lái xe ít nhất 2 năm, hoặc ít nhất 5 năm khi tái phạm.

Thời gian bị cấm lái xe có thể lâu hơn nếu người điều khiển phương tiện gây nguy hiểm hoặc bất cẩn khi lái xe.

. Trong khi đó, Luật An toàn Giao thông Đường bộ Trung Quốc sửa đổi ngày 22-4-2011 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2011 đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu, đồng thời hình sự hóa hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn, theo tờ China Daily.

Người điều khiển phương tiện bị xác định là “lái xe sau khi uống rượu bia” khi nồng độ cồn từ 20 mg/100 ml máu đến dưới 80 mg/100 ml máu. Vi phạm này bị phạt tiền từ 1.000-2.000 NDT (khoảng 3,5-7 triệu VNĐ) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng.

Tội “lái xe trong tình trạng say xỉn” cấu thành khi nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cao hơn 80 mg/100 ml máu. Tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù từ 1-6 tháng) và treo bằng lái xe 5 năm.

Mỹ và châu Âu cụ thể từng trường hợp

Mức nồng độ cồn cho phép ở Mỹ và các nước châu Âu nhìn chung cao hơn ở châu Á, phần lớn ở mức dưới 80 mg/100 ml máu.

. Cụ thể, theo trang European Consumer Centre France, Pháp có những quy định rất nghiêm ngặt về việc lái xe khi say rượu. Theo quy định, giới hạn nồng độ cồn cho phép trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông là 50 mg/100 ml máu.

Nếu nồng độ cồn nằm trong mức từ 50-80 mg/100 ml máu thì sẽ bị phạt tới 135 euro (khoảng 3,6 triệu VNĐ). Nếu vượt quá 80 mg/100 ml, tài xế sẽ bị phạt 2 năm tù, và có thể kèm theo mức phạt nóng 4.500 euro (khoảng 120 triệu VNĐ).

Bên cạnh đó, trong mọi trường hợp vi phạm, tài xế sẽ bị tịch thu giấy phép lái xe và phương tiện giao thông (tối đa 3 năm). Ngoài ra, kể từ năm 2012, Pháp quy định tất cả cá nhân điều khiển phương tiện cơ giới trên bộ đều phải trang bị trên xe một kit đo nồng độ cồn.

. Đạo luật Giao thông Đường bộ của Đức quy định cụ thể từng trường hợp tiêu thụ thức uống có cồn khi lái xe. Theo chuyên trang pháp lý Đức Schlun & Elseven Rechtsanwälte, những quy định này áp dụng cho người lái xe bất kể họ có phải là công dân Đức hay không.

Theo đạo luật, nếu nồng độ cồn trong máu nằm trong khoảng 50-109 mg/100 ml máu, tài xế sẽ bị phạt từ 500-1500 euro (khoảng 13,3 triệu - 40 triệu VNĐ) và bị cấm lái xe từ 1-3 tháng (tuỳ theo số lần tái phạm). Vi phạm này được xếp vào nhóm vi phạm hành chính.

Trong khi đó, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 110 mg/100 ml máu, tài xế sẽ bị quy tội hình sự. Theo đó, mức phạt bao gồm bị phạt tù và tiền, thu hồi giấy phép lái xe từ 6 tháng đến 5 năm hoặc cấm lái xe vĩnh viễn.

. Đáng chú ý, một số nước châu Âu như CH Czech, Hungary, Slovakia và Romania cấm hoàn toàn người tiêu thụ thức uống cồn tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

. Tại Mỹ, theo chuyên trang pháp lý Justia, mỗi tiểu bang ở Mỹ có quy định khác nhau đối với hành vi lái xe khi say rượu. Đối với hầu hết các tiểu bang, lần đầu vi phạm lái xe khi say rượu được xếp vào tội nhẹ, bị phạt tiền từ 500 - 2.000 USD (từ 12 - 46 triệu VNĐ) và phạt tù không quá 6 tháng.

nồng độ cồn
Cảnh sát Mỹ đang kiểm tra mức độ tỉnh táo của người lái xe. Ảnh: GETTY IMAGES

Việc phạt tù tùy vào phán quyết của thẩm phán, một số bang không quy định phạt tù đối với lần vi phạm đầu tiên. Tuy nhiên, khi có các yếu tố tăng nặng, chẳng hạn như nồng độ cồn trong máu cao bất thường hoặc gây tai nạn nghiêm trọng thì nhiều tiểu bang quy định thời gian phạt tù lâu hơn.

Các lần vi phạm sau sẽ có mức phạt tăng dần.

Ở Mỹ, điều khiển xe khi nồng độ cồn trong máu trên 80 mg/100 ml là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với người dưới 21 tuổi (độ tuổi tối thiểu được sử dụng rượu bia ở hầu hết các bang) dù nồng độ cồn thấp hơn mức 80 mg/100 ml máu vẫn bị phạt. Hình phạt với người dưới 21 tuổi thậm chí còn nghiêm khắc hơn người trên 21 tuổi, có thể bị tạm giữ giấy phép lái xe.

Theo trang Russman Law, vào năm 1938, Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ bắt đầu nghiên cứu vấn đề tai nạn xe cơ giới liên quan rượu. Hai nhóm đề nghị thiết lập tiêu chuẩn nồng độ cồn trong máu cụ thể là 150 mg/100 ml máu.

Tuy nhiên, sau đó qua nhiều giai đoạn điều chỉnh, mức này đã bị giảm xuống còn 80 mg/100 ml máu như hiện nay. Theo chính phủ Mỹ, việc giảm mức nồng độ cồn cho phép xuống còn 80 mg/100 ml đã giúp giảm đáng kể số ca tử vong liên quan việc lái xe sau khi uống rượu.

. Đối với Anh, Điều 5 Đạo luật Giao thông Đường bộ 1988 quy định hình phạt đối với cả hành vi uống rượu khi lái xe và khi không lái xe, theo trang web của chính phủ Anh.

Xứ Wales và Bắc Ireland giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người lái xe là: 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu và 107 mg rượu/100 ml nước tiểu.

Nếu lái xe vượt quá nồng độ cho phép sẽ bị phạt tiền không giới hạn và/hoặc phạt tù 6 tháng, bị tước giấy phép lái xe trong 1 năm (3 năm nếu bị vi phạm 2 lần trong 10 năm). Tòa án giảm hình phạt nếu người lái xe hoàn thành khóa học về lái xe sau khi uống rượu (DDRS).

Trường hợp người điều khiển xe gây tai nạn chết người, có thể bị phạt tù chung thân, phạt tiền không giới hạn và cấm lái xe ít nhất 5 năm. Người vi phạm sau đó phải thi để được nhận lại bằng lái xe. Đối tượng có nguy cơ tái phạm cao có thể sẽ không được lấy lại được lấy phép lái xe.

Việc từ chối đo nồng độ cồn có mức phạt lên tới 6 tháng tù, tiền phạt không giới hạn và cấm lái xe ít nhất 1 năm.

Hành vi uống quá nhiều rượu (không điều khiển xe) có mức phạt tối đa là 2.500 bảng Anh (khoảng 75 triệu VNĐ) và/hoặc 3 tháng tù.

Ngoài ra, hầu hết các nước Trung Đông như Iran, Saudi Arabia, Qatar,... đều cấm sử dụng rượu bia.

Có tác động gì tới kinh tế đêm?

Phần lớn các quy định về giới hạn nồng độ cồn đối với người lái xe ở các nước đều hướng tới mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cũng có khu vực xem xét tác động kinh tế đêm đối với quy định này. Lấy Scotland (Anh) là trường hợp nghiên cứu điển hình. Scotland đã điều chỉnh giới hạn nồng độ cồn trong máu từ 80 mg/100 ml máu xuống 50 mg/100 ml máu vào năm 2014.

nồng độ cồn
Sôi nổi hoạt động về đêm tại một con phố ở Anh. Ảnh: THE GUARDIAN

Scotland có mức tiêu thụ rượu tương đối cao với mỗi người lớn mua trung bình 10,2 lít rượu nguyên chất mỗi năm, trong khi mức trung bình toàn cầu và châu Âu lần lượt là 6,4 và 9,8 lít. Do đó, việc điều chỉnh giới hạn nồng độ cồn nói trên đã bị một số cá nhân, tổ chức khách sạn và nhà sản xuất rượu phản đối.

Tạp chí Drug and Alcohol Review đã thực hiện cuộc phỏng vấn với các nhà bán lẻ rượu, chủ khách sạn, nhà hàng, quán bar tại Scotland về tác động của việc điều chỉnh giới hạn nồng độ cồn nói trên đối với hoạt động kinh doanh của họ sau ba năm luật có hiệu lực.

Nhiều người tham gia phỏng vấn đều cho biết họ không thấy tác động của sự điều chỉnh trên đối doanh thu của họ. Một số nói họ bị ảnh hưởng ngắn hạn kéo dài từ 6 đến 12 tháng nhưng lợi nhuận quay trở lại sau đó.

Theo tạp chí này, các quán rượu ở nông thôn chịu tác động tiêu cực về kinh tế hơn so với các cửa hàng thực phẩm ở thành thị vì khách hàng vẫn tiếp tục đi ăn ngoài và chuyển uống rượu sang uống nước ngọt.

Tạp chí dẫn một nghiên cứu rằng sự thay đổi về giới hạn nồng độ cồn ở Scotland dẫn đến doanh số bán hàng thương mại bình quân đầu người giảm 0,7%. Tuy nhiên tạp chí cũng cho rằng bất kỳ sự sụt giảm nhỏ nào về doanh thu từ việc bán rượu đều có thể đã được thay thế, ít nhất một phần, bằng việc bán đồ uống hoặc thực phẩm không cồn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm