Nóng trong tuần

Quán ế không thể đổ thừa khách bị CSGT thổi nồng độ cồn

(PLO)- Một số bạn đọc cho rằng việc khách có uống bia rượu là bình thường, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, bài viết “Thổi nồng độ cồn có ảnh hưởng đến nền kinh tếđêmđã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Một số bạn đọc cho rằng kinh tế đêm có phần đóng góp từ các điểm ăn uống, nhà hàng… Việc khách có uống bia rượu là bình thường, quan trọng là ý thức của mỗi người sau đó.

Một số bạn đọc mong muốn việc xử lý nghiêm và kiểm tra nồng độ cồn của CSGT là cần thiết để duy trì sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời để bảo vệ tính mạng của người dân.

Kiểm tra nồng độ cồn là cần thiết

Bạn đọc Trần Thanh bình luận: “Tôi ủng hộ việc tiếp tục triển khai đo nồng độ cồn. Câu “Đã uống bia rượu thì không lái xe” được xem là khẩu hiệu để nhắc nhở ở tất cả mọi người khi tham gia giao thông, nếu vẫn ngoan cố thì phải chịu phạt. Và phải phạt kịch khung mới đủ sức răn đe.

CSGT tại TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn người dân tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

CSGT tại TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn người dân tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Nhậu xong đi xe ôm hay taxi về thì có sao đâu, nhiều người cứ nhậu xong nhất quyết cho rằng mình còn tỉnh và đòi tự chạy xe về thì hậu quả phải chịu. Người nhậu say điều khiển xe về liệu có an toàn và nếu không kiểm soát được hành vi, tông trúng cột điện, lao xuống sông thì người thân khổ. Hơn nữa khi nhậu say quá mức, chạy xe đâm trúng người đi đường thì lại càng khổ cho người khác. An toàn cho người dân là trên hết và nhiệm vụ của cán bộ nhà nước là bảo vệ tính mạng cho người dân. Báo chí đã đưa tin rất nhiều vụ việc người say xỉn chống người thi hành công vụ, cái kết thế nào thì mọi người đã biết. Chỉ vì say xỉn, bốc đồng mà phải mang án tù tội, lúc tỉnh hối hận thì đã muộn”.

“Kinh tế là quan trọng, cần thiết nhưng sinh mạng của người dân còn quan trọng hơn. Thế nên các ngành chức năng, chính quyền địa phương các nơi nên đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Nhất là việc nhậu say xỉn thì nên gửi xe, nhờ người đón hoặc đi xe ôm, taxi, Grab về. Việc này không chỉ an toàn cho bản thân mà còn an toàn cho người khác khi đang lưu thông trên đường” - bạn đọc Hoàng Thiên Vương ý kiến.

Bạn đọc Liêu Ngô nêu: “Hiệu quả của việc lái xe không uống rượu bia đã quá rõ. Không vì những người kinh doanh quán nhậu hay mấy ông nhậu mà lơi lỏng được. Quán kinh doanh ế có nhiều lý do, không thể đổ thừa cho việc CSGT thổi nồng độ cồn của khách được. Những vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu khi lái xe là con số không hề nhỏ. Vì thế, tôi rất ủng hộ CSGT nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn”.

Ý thức người dân là quan trọng

Anh Nguyễn Công Minh, chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết trước đây các cơ quan chức năng như ngành công an, UBND trực tiếp đến các nhà hàng, các điểm có kinh doanh rượu bia để tuyên truyền, vận động. Chủ yếu là yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết với các nội dung như nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia; tổ chức treo băng rôn, banner với nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu bia” tại cơ sở kinh doanh.

Đây cũng là một hình thức tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông được an toàn. Tuy nhiên, việc treo băng rôn thì chủ quán nào cũng thực hiện được nhưng để nhắc nhở khách hàng thì hơi khó. Bởi đa phần khách hàng ai cũng hiểu được sự nguy hiểm khi uống rượu bia mà lái xe. Thế nên quan trọng nhất vẫn là ý thức của khách hàng, anh Minh chia sẻ.

Anh Trần Văn Thuận, ngụ quận 12, TP.HCM, kể: “Tôi là dân xây dựng, có những hôm áp lực công việc, mấy anh em làm chung lại rủ nhau đi làm vài chai bia để giải tỏa áp lực. Hiểu được sự nguy hiểm khi uống rượu bia mà lái xe nên chúng tôi thường chọn quán có dịch vụ chở khách về sau tiệc. Giờ thì tôi thấy nhiều quán có dịch vụ này, chủ yếu là để giữ khách và tạo sự an toàn, thuận tiện cho khách. Trước đây, cứ có tiệc là tôi chỉ thích tự mình chạy xe về, hậu quả là có lần tôi bị kiểm tra và nhận mức phạt mấy chục triệu”.

“Mức phạt này khiến từ dạo đó tôi không dám lái xe khi uống bia rượu, bị phạt không chỉ mất tiền, lại còn bị tạm giữ xe, bằng lái, khổ lắm” - anh Thuận nói.

Hơn 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong một ngày nghỉ lễ

Mới đây, Cục CSGT (Bộ Công an) có thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong ngày 2-5.

Theo đó, cả nước xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 17 người. So với ngày nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022 giảm bốn vụ, giảm một người chết, giảm một người bị thương.

Lực lượng chức năng ghi nhận toàn bộ số vụ tai nạn, người chết, bị thương đều xảy ra trên đường bộ.

Cũng trong ngày nghỉ lễ thứ tư, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 9.703 trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; phạt tiền 20,877 tỉ đồng; tạm giữ 168 ô tô, 4.426 mô tô, 18 phương tiện khác; tước 2.166 giấy phép lái xe các loại.

Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý 3.428 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 2.082 trường hợp vi phạm về tốc độ; chở hàng quá tải trọng 78 trường hợp; chở quá số người quy định 148 trường hợp...

Các đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT đã lập biên bản 51 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 215 triệu đồng, tước 29 giấy phép lái xe, tạm giữ ba phương tiện.

PHI HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm