Trong nhiều tháng qua, các doanh nghiệpvà hiệp hội liên tục phản ánh trên các diễn đàn chính thức, không chính thức về việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Lý do của việc ách tắc này đã được “chỉ mặt đặt tên” là do Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7-3-2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) có rủi ro về hoàn thuế VAT.
Cụ thể, tại Công văn 633, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải xác minh tất cả khâu, từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các DN thuộc các khâu không thuộc địa bàn quản lý thì cục thuế có công văn gửi cục thuế các địa phương liên quan để rà soát, đối chiếu.
Về điều này, các DN cũng đã nêu do ảnh hưởng của dịch, nhiều DN đã ngưng hoạt động nên việc xác minh không dễ dàng.
Nói như thế không có nghĩa là Tổng cục Thuế không biết các khó khăn của DN. Trong các buổi gặp gỡ, đại diện Tổng cục Thuế thông tin là ngày 23-11 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn các cục thuế để có thể thực hiện hoàn thuế mà không cần phải chờ có thông tư...
Nhưng đến nay, theo thông tin từ các DN đang bị ách thuế là họ vẫn chưa được nhận tiền mà Nhà nước đang “giữ giùm”.
Câu chuyện về hoàn thuế VAT gợi lại một công văn vào tháng 4-2022 vừa qua của Bộ Tài chính về việc chống thất thu thuế gây ách tắc trong chuyển nhượng bất động sản. Sau đó các cơ quan trung ương phải chỉ đạo là “tiền kiểm, hậu xử lý”,để người dân tự chịu trách nhiệm với hành vi khai thuế. Từ đó mới tháo gỡ ách tắc trong việc cấp giấy chứng nhận trong giao dịch bất động sản.
Trong cả hai sự việc trên, chúng ta thấy rất rõ các quy định về hoàn thuế, đánh thuế, chống thất thu thuế… đã được pháp luật về thuế quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng. Các thông tư cũng đã có hướng dẫn tương đối chi tiết nhưng để phòng ngừa sai phạm, các cơ quan trung ương đã ra công văn để ngăn ngừa chuyện thất thu, gian lận thuế và các công văn của ngành vô tình gây ra ách tắc.
Các công văn nêu trên vô tình đẩy khó cho cơ quan thực hiện, cho người dân, DN và vô tình nó “cao hơn luật”. Bởi muốn hay không, các cục thuế phải thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo của ngành dọc, thực hiện đầy đủ nguyên tắc phục tùng trong quản lý hành chính dù DN có kêu gào!
Một công văn nghiệp vụ hướng dẫn trong nội bộ ngành thuế nhưng tác động trực tiếp đến người dân, DN, gây khó cho hoạt động của DN tồn tại nhiều tháng qua, trong khi chúng ta đang thực hiện việc gỡ khó, đồng hành cùng DN là điều rất không ổn.
Nên thực hiện nghiêm nguyên tắc “tiền kiểm, hậu xử lý” thay vì đặt ra các rào cản cao hơn luật!