Ngoài cơ quan tiến hành tố tụng thì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền đó. Có ý kiến còn cho rằng chỉ tòa án mới có quyền định tội vì theo Hiến pháp và pháp luật, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó chỉ có tòa án mới có quyền định tội. Vấn đề này phải hiểu thế nào cho đúng?
Định tội là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, là căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, tiền đề cho việc quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp. Tuy nhiên, việc định tội danh chính xác cho một hành vi phạm tội không phải bao giờ cũng dễ dàng.
Thực tế có nhiều trường hợp vụ án chỉ vừa xảy ra, thậm chí công an chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng báo chí đã vào cuộc, đưa tin, nêu quan điểm chuyên gia, người dân… bàn về tội danh và điều luật áp dụng đối với người phạm tội.
Việc này thường cơ quan và người tiến hành tố tụng hầu như không ủng hộ, vì vụ án mới phát hiện báo chí đã “định tội trước”, gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ... Đây cũng là lý do vì sao một số cán bộ điều tra ngại tiếp xúc với báo chí, không muốn trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, không phải ai cũng “né” báo chí, mà không ít cán bộ điều tra, kiểm sát viên và thẩm phán sẵn sàng đối thoại, tham khảo các ý kiến khác nhau để đưa ra quyết định phù hợp với pháp luật.
Vụ BS Nguyễn Mạnh Tường chẳng hạn: Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người nhưng nhiều ý kiến bàn luận, rằng việc khởi tố BS Tường về tội giết người là khiên cưỡng nên cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố bị can. Từ khi vụ án xảy ra đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, người phạm tội có thể chỉ bị khởi tố, truy tố, xét xử về một tội danh nhưng cũng có thể bị khởi tố, truy tố, xét xử với nhiều tội danh khác nhau.
Như vậy, việc định tội danh đối với người phạm tội không chỉ là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng mà những người khác cũng có quyền định tội danh. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, định tội danh không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ.
Theo quy định của BLTTHS, ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã phải xác định tội danh, điều luật áp dụng. Đối với người khác, việc định tội danh chỉ có ý nghĩa tham khảo. Mặc dù không có ý nghĩa bắt buộc nhưng việc định tội danh của các chuyên gia cũng không kém phần quan trọng.
Thực tiễn đã có nhiều trường hợp nhờ ý kiến của các chuyên gia mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiếp thu thay đổi quyết định của mình. Điển hình là vụ phá nhà ông Vươn ở Hải Phòng.
Lúc đầu cơ quan điều tra không khởi tố vì cho rằng hành vi phá nhà ông Vươn không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, sau khi báo chí vào cuộc, nêu quan điểm của chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận cần khởi tố, điều tra, xử lý hành vi phá nhà ông Vươn về tội cố ý hủy hoại tài sản.
Hay như vụ cháu Hào Anh bị chồng Giang-Thơm hành hạ, lúc đầu cơ quan điều tra chỉ khởi tố theo khoản 2 Điều 104 BLHS nhưng sau khi báo đăng ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thay đổi quyết định, truy tố xét xử vợ chồng Giang-Thơm theo khoản 4 Điều 104 BLHS và dư luận đồng tình.
Rõ ràng, việc định tội đâu chỉ là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng nên đừng định kiến, nhầm lẫn việc kết án của tòa với việc bàn luận khoa học về một vụ án!
ĐINH VĂN QUẾ