Cuối tháng 2-2015, ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin đã họp phiên đầu tiên, sau năm năm dự án luật này bị tạm dừng để “tiếp tục nghiên cứu” do còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Ba quan điểm
Quá trình xây dựng dự án luật lần này vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Ý kiến thứ nhất cho rằng chủ thể phải cung cấp thông tin là tất cả cơ quan nhà nước, bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, TAND, VKSND vì các cơ quan này đều là các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đều tạo ra và nhận được nhiều thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân, tổ chức.
Quan điểm này cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trước hết thuộc về trách nhiệm của nhà nước, của hệ thống các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, hiện nay thông tin mà người dân quan tâm nhất vẫn là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và các thông tin đó hầu như đều do các cơ quan nhà nước nắm giữ. Dự thảo được thiết kế theo loại ý kiến này.
Quan điểm thứ hai cho rằng chủ thể phải cung cấp thông tin chỉ giới hạn ở cơ quan hành chính nhà nước, bởi đây là các cơ quan tạo ra và nắm giữ nhiều thông tin nhất và các thông tin này cũng liên quan trực tiếp nhất đến người dân.
Cũng có ý kiến cho rằng chủ thể phải cung cấp thông tin là tất cả cơ quan nhà nước và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước (bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức do Thủ tướng thành lập, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật), trừ tổ chức chính trị.
Ủng hộ quan điểm thứ ba này, PGS-TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KHXH Việt Nam) cho biết đây là “quan niệm chung trên thế giới”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lại cho rằng trong quá trình tham vấn xây dựng dự án luật, đa số ý kiến đều ủng hộ phương án 1.
Các phóng viên đợi lấy thông tin tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Chỉ cung cấp thông tin “có sẵn”?
Một vấn đề khác gây nhiều tranh luận là phạm vi những thông tin được tiếp cận. Có ý kiến cho rằng luật chỉ nên quy định thông tin được tiếp cận là tin tức, dữ liệu có sẵn trong hồ sơ, tài liệu chính thức, do cơ quan nhà nước/cơ quan cung cấp thông tin tạo ra và nắm giữ. Theo đó, cơ quan không phải cung cấp những thông tin không do mình tạo ra mà chỉ nhận được hoặc đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trường hợp công dân yêu cầu cung cấp thông tin do cơ quan nhận được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ (nhưng không do chính cơ quan đó tạo ra) thì cơ quan có thể cung cấp thông tin, nếu thông tin đó là chính thức, có sẵn và đang được họ lưu giữ. Trường hợp thông tin không có sẵn thì hướng dẫn công dân đến cơ quan tạo ra thông tin để yêu cầu cung cấp thông tin.
Dự thảo được thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất. Theo đại diện tổ biên tập, quy định này sẽ bảo đảm tính chính xác của thông tin chính thức từ chính cơ quan tạo ra đồng thời giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, bởi số lượng thông tin do mỗi cơ quan nắm giữ được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là rất lớn.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng thông tin được tiếp cận là tin tức, dữ liệu có sẵn trong hồ sơ, tài liệu chính thức và do cơ quan nhà nước nắm giữ, bao gồm thông tin do cơ quan tạo ra và thông tin cơ quan nhận được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.
GS-TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật ĐHQG Hà Nội) đồng tình với dự thảo, “để tránh gây khó khăn cho quá trình thực thi”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì gợi ý có thể mở rộng thêm cả thông tin “ghi nhận được trong quá trình hoạt động”.
“Cuộc họp hôm nay có báo chí tham dự nên không có gì là bí mật cả. Các đồng chí ghi âm được lời phát biểu của tôi, khi cử tri yêu cầu thì cũng có thể cung cấp cho họ. Nhưng những thông tin Bộ Xây dựng cung cấp cho Bộ Tư pháp chẳng hạn thì Bộ Tư pháp không có nghĩa vụ cung cấp” - ông Cường dẫn chứng.
Những thông tin hạn chế tiếp cận Theo dự thảo luật, các thông tin hạn chế tiếp cận bao gồm: - Thông tin đã được các luật khác quy định là thông tin bí mật phải được bảo vệ vì các lý do phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Cụ thể là thông tin thuộc bí mật nhà nước; bí mật đời tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; bí mật kinh doanh; thông tin phải giữ bí mật trong quá trình tố tụng tư pháp, thanh tra, kiểm toán, giải quyết đơn thư tố cáo; thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp; thông tin có trong tài liệu lưu trữ thuộc dang mục hạn chế sử dụng… - Thông tin quy định tại luật này: Tuy không phải là thông tin bí mật như nêu trên nhưng việc cung cấp có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến việc hoạch định và thực thi chính sách tài chính-tiền tệ, chính sách quốc gia quan trọng khác, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, mối quan hệ với các quốc gia khác hoặc tổ chức quốc tế; thông tin khác mà việc cung cấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của cá nhân, sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội; các thông tin nội bộ của cơ quan nhà nước, thư tín giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước. Cũng theo dự thảo luật, việc cung cấp các thông tin hạn chế tiếp cận (trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước) sẽ do người đứng đầu của cơ quan tạo ra và nắm giữ thông tin đó xem xét, quyết định. Quyền của quyền Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng việc xây dựng dự án luật này cần bám sát tinh thần của Hiến pháp 2013, theo đó công dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin thay vì ở thế bị động, cơ quan nhà nước cung cấp đến đâu biết đến đó như trước đây. “Phải xây dựng cái này như một nhu cầu tự nhiên của công dân chứ không phải phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền. Quyền tiếp cận thông tin là quyền gốc, quyền của quyền, để người dân thực hiện các quyền khác (trong hệ thống các quyền chính trị, dân sự) đầy đủ hơn” - ông Liên nói. |