Giới chuyên gia nhiều năm qua đã đặt nghi vấn rằng tại sao là một trong những quốc gia bị cô lập nhiều nhất trên thế giới và đồng thời đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt, Triều Tiên lại có thể tồn tại và phát triển qua hơn hai thập niên qua kể từ khi Liên Xô tan rã.
Hoạt động khắp các châu lục
Theo tờ Wall Street Journal ngày 7-7, sự tồn tại và phát triển của Triều Tiên một phần rất lớn nhờ vào mối quan hệ của nước này với nước ngoài. Một cuộc điều tra gần đây về các quan hệ của Triều Tiên trên toàn cầu cho thấy thậm chí khi ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, Bình Nhưỡng vẫn duy trì được quan hệ về ngoại giao và kinh tế với nhiều nước khác.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc họp bàn về kế hoạch quân sự. Ảnh: KCNA
Các quan hệ này liên quan tới một loạt lĩnh vực từ thương mại, ngân hàng tới đào tạo khoa học, buôn bán vũ khí, xây dựng, nhà hàng…Đòn bẩy làm kinh tế ngoài biên giới như thế này đã giúp Triều Tiên có được nguồn tiền và công nghệ để phục vụ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Wall Street Journal cho biết sự mở rộng các mối quan hệ của Triều Tiên trên toàn cầu được thực hiện thông qua cầu nối là các quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu, những người đào tẩu khỏi Triều Tiên…
Trong một số trường hợp, Triều Tiên dựa dẫm vào các đồng minh cũ, trong đó có Cuba và Syria. Trong khi đó, ở những khu vực khác đặc biệt là châu Phi, Bình Nhưỡng lại cung cấp huấn luyện quân sự hoặc bán các vũ khí giá rẻ cho những nước có quan hệ. Tại Trung Đông, Triều Tiên cung cấp nguồn lao động cho hoạt động xây dựng và dùng nguồn tiền từ những người lao động này để gửi về Triều Tiên.
Theo Ủy ban quốc gia về Triều Tiên (NCNK), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington và Trung tâm Đông Tây (Mỹ), Triều Tiên hiện duy trì quan hệ ngoại giao với 164 quốc gia và có đại sứ quán ở 47 nước.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: THE AUSTRALIAN/KCNA
Tại châu Á, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên trong hai năm qua. New Delhi được cho là mua các hàng hóa Triều Tiên, và đổi lại bán hóa chất cho Triều Tiên. Trong khi đó, Nga xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho Triều Tiên và nhập các hàng như quần áo và cá đông lạnh.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên năm ngoái còn nỗ lực xuất khẩu các thiết bị liên lạc dùng trong quân sự cho Eritrea (một quốc gia nằm ở Đông Bắc châu Phi) thông qua các công ty tiền tuyến nằm ở Malaysia.
...nhưng vẫn có người bạn ‘chí cốt’
Tuy nhiên, dưới áp lực của Washington yêu cầu các nước cắt đứt hoặc giảm quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ kinh tế với Triều Tiên trong nhiều năm qua, nhiều quốc gia bắt đầu giảm giao lưu với Triều Tiền.
Hồi tháng 2, Bulgaria đã yêu cầu Triều Tiên đưa hai nhà ngoại giao Triều Tiên ở thủ đô Sofia về nước. Ý năm nay cũng đã không cho phép bốn công dân Triều Tiên tiếp tục học ở Trung tâm vật lý lý luận quốc tế (ICTP) ở Trieste vì các ngành theo học mang tính “nhạy cảm”. Hồi tháng 3, Senegal (quốc gia ở Tây Phi) đã ngừng cấp thị thực cho các thợ thủ công của một tổ chức quốc doanh Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của nước này. Ảnh: KCNA
Tuy nhiên, dù mất đi nhiều quan hệ nhưng Triều Tiên vẫn còn bạn “chí cốt” giúp nước này chèo lái qua những lúc khó khăn - đó là Trung Quốc. Trung Quốc thực chất vẫn là trụ cột chính để Triều Tiên dựa dẫm. Trong năm năm qua, Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời là nhà cung cấp dầu chính cho Triều Tiên. Nó giúp tạo nguồn lực để Triều Tiên duy trì “sự sống” thậm chí khi quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi.
Theo Ủy ban về quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu về quan hệ quốc tế có trụ sở tại New York (Mỹ), sự hỗ trợ mạnh của Trung Quốc dành cho Bình Nhưỡng bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi Trung Quốc đưa quân vào bán đảo Triều Tiên để giúp quân đội Triều Tiên. Sau chiến tranh, Trung Quốc là nước chống lưng chính cả về chính trị và kinh tế của Triều Tiên qua các thời kỳ lãnh đạo Triều Tiên như Kim Il-sung (1948-1994), Kim Jong-il (1994-2011) và ông Kim Jong-un(2011 tới nay).
Hồi năm 2001, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 18% trong xuất khẩu và 20% trong nhập khẩu của Triều Tiên, xếp sau Nhật Bản về cả hai chiều giao dịch này. Tuy nhiên, kể từ khi Liên Hiệp Quốc thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vào năm 2009, Nhật Bản cùng một loạt quốc gia đã cắt quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng, để lại Trung Quốc làm đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Việc giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn diễn ra thường nhật dọc đoạn biên giới dài 1.416 km giữa hai nước. Các công ty của Trung Quốc và Triều Tiên vẫn bí mật mua bán than đá, quặng sắt cùng các nguồn tài khác bất chấp các biện pháp trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây còn đặt nghi vấn về sự thật tâm trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Triều Tiên. “Giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Sự hợp tác giữa chúng ta và Trung Quốc không thành công nhưng chúng ta vẫn phải thử” - ông Trump đăng trên Twitter hôm 5-7.
Theo Yonhap, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đã do dự sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Bình Nhưỡng vì lo ngại nếu quá tay với Triều Tiên thì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc vẫn sẽ gây áp lực lên Bình Nhưỡng nhưng ở một mức độ vừa phải.
Tận dụng nguồn lực trong nước
Trong khi đó, những người Triều Tiên sống ở nước ngoài lại là lực lượng cung cấp nguồn tiền cho Triều Tiên. Các cựu quan chức làm việc trong đại sứ quán Triều Tiên tiết lộ, một trong những vai trò chính của các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài là giúp phát triển và duy trì nguồn tiền này được chảy về Triều Tiên một cách đều đặn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một hoạt động thị sát quân đội. Ảnh: KCNA
Theo Viện nghiên cứu chính sách Asan (đóng tại Hàn Quốc), hiện có hơn 50.000 công nhân Triều Tiên đang được thuê làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ sẽ không nhận được toàn bộ số lương mà mình kiếm được, mà phải chia sớt theo quy định và gửi về Triều Tiên với tổng hàng triệu USD mỗi năm thông qua các quan chức ngoại giao.
Có thể thấy, các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên chịu cũng không quá nặng như Iran. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chủ yếu để ngăn chặn dòng tài chính và thương mại phi pháp của Triều Tiên. Những đối tượng nhắm tới này hầu hết liên quan tới chương trình vũ khí của Triều Tiên. Theo Wall Street Journal, Liên Hiệp Quốc không nhắm tới các hoạt động kinh doanh của Triều Tiên ở nước ngoài, chẳng hạn như hệ thống nhà hàng Triều Tiên hoạt động ở châu Á và Trung Đông cũng như không cấm Triều Tiên đưa lao động ra nước ngoài làm việc.
Do đó, với mạng lưới quan hệ rộng lớn cùng nguồn lao động trong nước, Triều Tiên đã biết cách tận dụng để duy trì “sự sống còn” của nước này. Điều đáng nói là khi gặp “sóng to gió lớn” như bị các nước cắt quan hệ, Triều Tiên vẫn có một “người anh” Trung Quốc mạnh khỏe để chống lưng, bất chấp các nước lớn như Mỹ.