Trước những nghi vấn nhận hối lộ dự án ODA của Nhật mới đây, ông Hòa cho rằng một lần nữa đây là tiếng chuông cảnh báo đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và ODA nói riêng.
Theo ông Hòa, nhiệm vụ quản lý trực tiếp vốn đầu tư ODA là của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương, trong đó việc sử dụng vốn thường gắn với ban quản lý dự án. Đây chính là gốc rễ của vấn đề khi xảy ra tiêu cực. Cụ thể, có quá nhiều cấp tham gia vào quá trình xét duyệt, thẩm định và thực hiện dự án. Muốn nhanh chóng thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện “bôi trơn”.
Bàn về giải pháp, ông Hòa cho hay việc ban hành một loạt thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế, chính sách quản lý tài chính đối với dự án ODA sẽ giúp các bên định hình được công việc cụ thể phải làm. Tuy nhiên, các văn bản luật đưa ra cần rành mạch, phân quyền, phân cấp rõ ràng để quy trách nhiệm khi xảy ra lỗi.
Đồng thời, cần tăng tính kiểm soát chi qua kho bạc nhà nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính. “Vốn ODA là vốn vay của Nhà nước, được xem như ngân sách và phải được kiểm soát như các quy định Ngân hàng Nhà nước” - ông Hòa nói.
TRÀ PHƯƠNG