Đây là số liệu mà ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đưa ra tại buổi công bố Ngày không dùng tiền mặt 16-6 vừa tổ chức hôm nay (20-5).
Đây được chọn là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán. Người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung ứng dịch vụ.
Theo ông Dũng, những năm qua, việc thanh toán không tiền mặt đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được mở rộng.
Tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM và 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, nhà hàng, khách sạn. Hệ thống này đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...
Ảnh minh họa
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 ngàn tỉ đồng.
Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động còn đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, thời gian qua có thực tế là nhiều người Việt Nam mua hàng qua mạng nhưng vẫn trả bằng tiền mặt. Việc này có nhiều nguyên nhân cả về phía người mua lẫn người bán nhưng có nguyên nhân là sợ mất phí cho ngân hàng.
"Thanh toán điện tử đang phát triển vô cùng nhanh nhưng cái khó hiện nay là làm sao để người tiêu dùng đón nhận phương thức thanh toán điện tử. Nếu ai từng một lần sử dụng thanh toán điện tử thì sẽ không muốn quay lại thanh toán bằng tiền mặt nữa", ông Dũng nói.