“Không ngờ ở TP lớn mà cũng khốn khổ với nạn lục bình”. Nhiều công nhân ở KCN Tân Bình (TP.HCM) thốt lên như thế khi nói về tình trạng muỗi bùng phát thường xuyên ở khu vực này do lục bình dày đặc trên kênh.
Khổ cả ngày lẫn đêm
Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tanimex) - chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Bình cho biết: Tình trạng lục bình phát triển dày đặc trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát trong hai năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của KCN.
“Lục bình dày đặc tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nhiều. Công nhân làm việc ca ngày lẫn ca đêm đều phải sử dụng thuốc xoa chống muỗi và thuốc diệt muỗi. Điều này khiến năng suất lao động giảm, nguy cơ bệnh tật lại gia tăng” - vị này ngao ngán.
Theo ghi nhận của chúng tôi đây cũng là nỗi khổ chung của hàng ngàn người dân sống dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (chạy qua địa bàn quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân) trong suốt hai năm qua. Ngày 4-7-2014, UBND quận Tân Phú phải cầu cứu Sở NN&PTNT TP giúp xử lý nạn lục bình dày đặc trên tuyến kênh Tham Lương. “Lục bình bám rễ sâu qua nhiều năm nên việc tổ chức cho nhân dân, các đoàn thể vớt lục bình là rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn lao động. Thay vào đó cần phải có thiết bị chuyên dùng và lực lượng lao động chuyên môn…” - UBND quận Tân Phú nêu khó khăn.
Lục bình dày đặc trên các tuyến kênh rạch ở TP.HCM . Ảnh: KB
Tương tự, hàng trăm hộ dân sống dọc tuyến rạch Lăng, quận Bình Thạnh cũng khốn khổ không kém. “Cứ vớt được một vài hôm là lục bình lại xuất hiện dày đặc, muỗi nhiều không thể tả, nhiều hôm ăn cơm phải mắc màn. Phường đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi mấy lần nhưng chẳng ăn thua” - chị Hà, nhà gần cầu Băng Ky (phường 13, quận Bình Thạnh), phản ánh.
Một cán bộ UBND phường 13, quận Bình Thạnh cho biết thêm mới đây các đơn vị liên quan đã đưa máy cắt lục bình vào hoạt động thử nghiệm ở rạch Lăng nhưng chưa hiệu quả do mực nước trên kênh thấp.
Do ô nhiễm môi trường
“Trước đây các tuyến kênh rạch của TP cũng có lục bình nhưng không nhiều. Khoảng hai năm trở lại đây, lục bình đột nhiên phát triển dày đặc khắp nơi, từ ngoại thành đến nội thành đâu đâu cũng có. Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông thủy, gây ô nhiễm khu vực nội thành, lục bình còn tác động xấu đến hoạt động thủy lợi của TP”. Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV DV Thủy lợi TP.HCM, phản ánh như vậy.
Theo ông Đam, lục bình ở TP nhiều là do từ thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai đổ về liên tục. “Lục bình phát triển tỉ lệ thuận với ô nhiễm. Khi môi trường sông, kênh rạch ở các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương… càng ô nhiễm thì lượng lục bình đổ về TP càng nhiều. Để giảm lục bình, TP cần khống chế từ đầu nguồn và phải đặt hàng các đơn vị chế tạo máy móc chuyên dụng” - ông Đam nhận định.
Được biết UBND TP đã giao nhiệm vụ vớt lục bình ở khu vực thượng nguồn cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. “Chúng tôi đã khảo sát thực tế và đang lập phương án thực hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định cụ thể khi nào sẽ thực hiện vì chưa có định mức - đơn giá. Vả lại việc vớt lục bình trên sông lớn sẽ rất cam go, phải cần sà lan lớn, máy móc chuyên dụng…” - ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc công ty, cho hay.
KHANG BÁCH
Từ năm 2013 đến nay, UBND TP đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện… tổ chức vớt lục bình. Do lục bình vẫn còn phát triển dày đặc khắp nơi, ngày 30-6-2014 TP lại tiếp tục có văn bản chỉ đạo tổ chức vớt lục bình theo phân cấp quản lý. Theo đó, các đơn vị quản lý tuyến sông, kênh rạch phải chủ động tổ chức vớt lục bình trên địa bàn của mình. Thế nhưng trao đổi với PVPháp Luật TP.HCM,lãnh đạo một số đơn vị liên quan lại cho rằng cần giao việc vớt lục bình cho những đơn vị có chuyên môn, có máy móc chuyên dụng. Nếu giao theo địa bàn quản lý sẽ rất khó thực hiện. |