Ấm áp Nam Du...

Ấm áp Nam Du...

(PLO)- Chính những ngày ở lại bất đắc dĩ tại đây do ảnh hưởng bão Doksuri, nhiều du khách mới cảm nhận hết tấm lòng của những người dân nơi đảo xa.

Quần đảo Nam Du nằm ở phía Đông đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan thuộc địa giới hành chính xã An Sơn, huyện Kiên Hải gần đây là địa chỉ du lịch nổi tiếng ở tỉnh Kiên Giang.

Một góc đảo Nam Du. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Một góc đảo Nam Du. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Ân tình từ người dân đảo xa

Từ Rạch Giá, hơn 2 giờ 30 phút đi bằng tàu cao tốc trên hải trình dài 56 hải lý là đến được Nam Du.

Ấn tượng đầu tiên khi bước lên đảo là gặp ngay Bia tưởng niệm, nơi thờ cúng những nạn nhân của cơn bão số 5, bão Linda, cơn bão thảm khốc nhất kể từ 100 năm qua khi ập vào miền Nam Việt Nam năm 1997.

Theo thống kê chỉ trong hai ngày 2 và 3-11-1997, bão Linda gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 1.232 người bị thương và đến nay còn đến 2.123 người vẫn mất tích.

Bia tưởng niệm những nạn nhân cơn bão số 5, năm 1997 đặt cạnh cầu cảng.

Bia tưởng niệm những nạn nhân cơn bão số 5, năm 1997 đặt cạnh cầu cảng.

Cơn bão còn làm hàng ngàn tàu thuyền chìm, hư hỏng và 107.892 ngôi nhà đổ sập, hơn 200.000 căn nhà bị hư hại…Thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng.

Theo anh Lê Văn Huyện, cán bộ tư pháp xã An Sơn, trong cơn bão này, người dân của xã bị thiệt hại về người rất ít, chủ yếu người dân các địa phương khác đi tàu đánh cá xa bờ. Họ thiệt mạng mà không thể nhận diện được danh tính nên người dân và chính quyền xã đã chăm lo chôn cất, lập bia tưởng niệm, hàng năm tổ chức lễ giỗ chung cho những người tử nạn vào ngày mùng 3, 4 tháng 10.

26 năm đã trôi qua nhưng nhang khói ở đây vẫn nghi ngút mới thấy người dân ở đây luôn nặng nghĩa, đầy ắp ân tình…

Trong những ngày chúng tôi du lịch trên đảo (cuối tháng 7-2023) cũng là lúc biển động dữ dội do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri (bão số 2). Mọi dự định bị đảo lộn khi các chuyến tàu cao tốc về đất liền đều bị cấm cả 2 chiều, chuyến du lịch dài hơn gấp đôi thậm chí có thể dài hơn nữa tùy theo tình hình thời tiết.

Tuy nhiên chính những ngày ở lại bất đắc dĩ tại đây, nhiều người mới cảm nhận hết tấm lòng của những người dân trên đảo xa.

Hướng dẫn viên Đặng Văn Rồng đang chụp hình cho du khách trong tour tham quan quần đảo Nam Du. Ảnh: Thanh Trang

Hướng dẫn viên Đặng Văn Rồng đang chụp hình cho du khách trong tour tham quan quần đảo Nam Du. Ảnh: Thanh Trang

Đó là anh Đặng Văn Rồng, một hướng dẫn viên của tour du lịch Nam Du, thông cảm cho đoàn khách kẹt lại ở đảo đã bỏ tiền túi mời cả đoàn khách hơn 40 người một bữa cơm thịnh soạn dù tour du lịch do anh tổ chức được xem là có giá quá bèo.

Đó cũng là chủ quán ăn Hoa Hoàng đã mời đoàn khách chúng tôi bữa cơm miễn phí với đầy ắp hải sản tươi rói.

Bữa cơm chiều đoàn khách du lịch được mời kể từ lúc bị kẹt tàu, chưa thể trở về đất liền. Ảnh: Hải Dương

Bữa cơm chiều đoàn khách du lịch được mời kể từ lúc bị kẹt tàu, chưa thể trở về đất liền. Ảnh: Hải Dương

Đó cũng là Đông, cựu cầu thủ bóng đá, chủ quán ăn Vẹn Đông giành trả tiền ăn khi dự báo chúng tôi sẽ còn kẹt lại dài ngày trên đảo…

Hay nhà nghỉ Huỳnh Hua nơi đoàn chúng tôi lưu trú, bắt đầu từ ngày chúng tôi kẹt lại, chủ nhà nghỉ đã quyết định giảm 150.000 đồng cho mỗi phòng tức gần 50% giá phòng bình thường.

Hoặc nhà nghỉ Hoàng Gia cạnh đó cũng giảm 50% giá tiền phòng cho đoàn khách lớn tuổi từ Bình Phước đến đây kẹt lại và tổ chức nấu, mời cơm tại sảnh nhà nghỉ…

Thiên đường nghỉ dưỡng

An Sơn chỉ là một xã đảo nhỏ có 3 ấp An Cư, Bãi Ngự, Củ Tron với diện tích 7,12 km², dân số chỉ hơn 4.000 người. Tháng 9 tới đây xã sẽ kỷ niệm 40 năm ngày Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 107-HĐBT đổi tên xã Nam Du thành xã An Sơn.

Dân số ít, hầu như ai cũng biết mặt, biết tên nhau. Chiều 28-7, cả đảo Nam Du xôn xao khi có rất nhiều người dân trên đảo trúng độc đắc, an ủi xổ số kiến thiết của tỉnh Trà Vinh với số tiền cả chục tỷ đồng.

Du khách đến từ TPHCM chúc mừng người phụ nữ áo vàng (ngồi) trúng 2 tờ vé số độc đắc. Ảnh: Đào Trang

Du khách đến từ TPHCM chúc mừng người phụ nữ áo vàng (ngồi) trúng 2 tờ vé số độc đắc. Ảnh: Đào Trang

Ngạc nhiên nhất là không ai giấu giếm chuyện mình trúng số mà công khai luôn, luôn miệng cảm ơn khi được bà con chòm xóm và cả du khách, những người không quen biết chúc mừng.

Quần đảo Nam Du có 21 đảo lớn nhỏ trong đó có 10 đảo xung quanh có dân sinh sống gồm Hòn Dâm, Hòn Hàng, Hòn Khô, Hòn Mốc, Hòn Nhàn, Hòn Nồm Giữa, Hòn Nồm Ngoài, Hòn Nồm Trong, Hòn Ông, Hòn Tre mà bất cứ hòn nào cũng đều có vẻ đẹp tuyệt vời, nước trong vắt xanh ngăn ngắt thấy cả san hô luôn hút hồn du khách.

Lặn ngắm san hô ở Nam Du. Ảnh: Phương Nam

Lặn ngắm san hô ở Nam Du. Ảnh: Phương Nam

Chính những vẻ đẹp được ví như Hạ Long của Phương Nam này nên chủ đầu tư Nam Du Palace đã dám bỏ ra gần chục triệu dolar Mỹ để xây dựng một khách sạn được xem là sang trọng bậc nhất trên quần đảo này.

Bãi cây Mến, một bãi tắm hoang sơ ở Nam Du. Ảnh: Phương Nam

Bãi cây Mến, một bãi tắm hoang sơ ở Nam Du. Ảnh: Phương Nam

Trung tâm xã nằm ở hòn Củ Tron hay còn gọi là Hòn Lớn với diện tích hơn 770 ha nằm gọn trong vịnh Thái Lan.

Đây là nơi có nhiều bãi biển tuyệt đẹp như Bãi Trệt, bãi Đất Đỏ, bãi Ngự, bãi Cây Mến, bãi Giếng, bãi Sỏi… Du khách chỉ cần thuê xe máy chạy vòng quanh đảo khoảng 12 cây số và dừng chân tại các bãi này để ngắm những góc biển vô cùng tuyệt đẹp, hoang sơ và lãng mạn.

Một người dân ở đảo có nick zalo rất chất nguoidanxudao sẵn lòng mời nước, hướng dẫn du khách lỡ đường ở quán ven đường. Ảnh: Thanh Trang

Một người dân ở đảo có nick zalo rất chất nguoidanxudao sẵn lòng mời nước, hướng dẫn du khách lỡ đường ở quán ven đường. Ảnh: Thanh Trang

Sẽ không lâu nữa, bão Doksuri sẽ đi qua, chúng tôi sẽ quay về đất liền, người dân trên đảo trở về cuộc sống thường nhật nhưng chắc chắn, khi tiếng còi tàu rúc lên chia tay đảo, ai ai cũng sẽ nhớ mãi những ân tình ấm áp của người dân Nam Du…

Đọc thêm