Các quan chức Trung Quốc khẳng định hai ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảm bảo an ninh hàng hải và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long phát biểu tại diễn đàn an ninh Hương Sơn 2015. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà ngoại giao và quan chức hải quân nước ngoài lại cho rằng việc xây dựng hải đăng thể hiện bước đi đầy toan tính của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ của nước này tại biển Đông.
Mặc dù hải quân Mỹ và các nước hiện nay chủ yếu sử dụng các thiết bị điện tử để xác định vị trí tàu thuyền nhưng trong một số trường hợp nhất định thì họ vẫn cần đến ánh sáng có thể nhìn thấy từ các ngọn hải đăng.
Khi đi vào những vùng biển đặc biệt như có đá ngầm hoặc khi thiết bị điện tử bị hỏng hóc thì tàu thuyền vẫn phải dựa vào hải đăng để thu thập thông tin và xác định phương hướng bằng mắt thường.
Ngọn hải đăng được Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: REUTERS
Tìm kiếm sự công nhận
Theo Ian Storey, chuyên gia về biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), bước đi như vậy "giúp củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với việc ép các nước khác phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc bằng chính hành động của mình".
Chuyên gia này giải thích rằng "nếu hải quân và tàu thuyền các quốc gia khác, kể cả Mỹ, buộc phải sử dụng và đi theo những ngọn hải đăng này, điều đấy có thể được diễn giải như là sự công nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc".
Chuyên gia Ian Storey cho rằng xây dựng hải đăng này là bước đi kế tiếp trong chiến lược lâu nay của Bắc Kinh hòng từ từ "thay đổi hiện trạng trên biển Đông".
Trung Quốc đã tích cực tiến hành cải tạo, bồi đắp đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: REUTERS