‘Án binh bất động’ 2 tháng, Triều Tiên muốn đối thoại?

Ngày 17-11, các đặc phái viên cấp cao của Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã đồng loạt đến bán đảo Triều Tiên để làm việc với đại diện chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên.

Bắc Kinh cử đặc phái viên cấp cao

Đặc phái viên cấp cao Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc các vấn đề quốc tế của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản TQ, ngày 17-11 đã lên đường sang Triều Tiên, hãng tin Yonhap cho biết. Theo đó, phái đoàn TQ có khoảng năm thành viên. Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Ji Jae-ryong đã có mặt tại sân bay để tiễn phái đoàn.

Theo hãng tin Hàn Quốc, phái đoàn TQ sẽ ở lại Triều Tiên trong bốn ngày và có thể sẽ có cuộc làm việc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Còn theo Bộ Ngoại giao TQ, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề lợi ích chung về mặt đảng và hai nước. Ông Tống cũng sẽ trao đổi về kết quả đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 vừa qua. Các chuyên gia cho rằng chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên nhiều khả năng sẽ được ông Tống đề cập tại Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên của Mỹ Joseph Yun (phải) và đặc phái viên của Trung Quốc Tống Đào đồng loạt đến bán đảo Triều Tiên vào ngày 17-11. Ảnh: AP/KYODO

Sự im lặng bất thường

Cùng ngày, đặc phái viên cấp cao của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun và người đồng cấp phía Hàn Quốc Lee Do-hoon đã có cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng trên đảo Jeju (Hàn Quốc). Hai bên thảo luận về tình hình an ninh bán đảo và phối hợp buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Cuộc gặp là cơ hội để ông Yun thông báo cho phía Hàn Quốc sách lược của Mỹ hiện nay về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 12 ngày tại châu Á. Vấn đề Triều Tiên là một trong ba mục tiêu chính mà Tổng thống Trump đặt ra cho chuyến công du, bên cạnh vấn đề thương mại và củng cố các cam kết đồng minh, theo AP.

Điểm đáng chú ý là đã gần 60 ngày trôi qua Triều Tiên không có hành động nào cứng rắn, ngoại trừ các phát ngôn chỉ trích tập trận của Mỹ và đồng minh. Đây là một khoảng lặng khá bất thường sau hơn một năm Triều Tiên liên tiếp hết thử nghiệm hạt nhân lại cho phóng thử tên lửa gần như mỗi tháng. Trong một phát biểu trước đây, ông Joseph Yun từng đưa ra nhận định: Nếu như Triều Tiên ngưng mọi cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân trong tầm 60 ngày, đó sẽ là tín hiệu gửi đến Washington tái khởi động đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, theo Yonhap.

Trả lời báo chí ngày 14-11, ông Yun nói bản thân không rõ vì sao Triều Tiên ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa. Ông bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ ngưng khiêu khích trong một khoảng thời gian để tạo “sự khởi đầu tốt đẹp”. Ông Yun cũng kỳ vọng chuyến thăm của đặc phái viên Tống Đào sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo.

Vẫn khó có tiếng nói chung

Ngày 17-11, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cũng có bài xã luận khẳng định chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không đặt lên bàn đàm phán những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi và an ninh quốc gia. “Mỹ cần chấm dứt chính sách thù địch nhắm vào Triều Tiên. Nếu Washington không nhân nhượng, chúng tôi cũng không lùi bước trong công cuộc tăng sức mạnh lực lượng hạt nhân quốc gia” - tờ Rodong Sinmun viết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu ngày 15-11 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận một thỏa thuận “đóng băng đổi lấy đóng băng”. Ông cho rằng chỉ có thể nhân nhượng Triều Tiên nếu nước này hủy kho vũ khí hạt nhân, chứ không đơn thuần đóng băng chương trình vũ khí.

____________________________

64 ngày đã qua kể từ  lần gần nhất Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua vùng trời Nhật Bản ra biển Thái Bình Dương hôm 15-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới