Ngày 27-6, tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Nguyễn Thị Dung (39 tuổi) và Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi, cùng trú thôn Quy Lai, xã Phú Thanh, Phú Vang) vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực vì bị ngộ độc cá nóc. Trong khi đó, ba người con của bà Dung gồm Nguyễn Thị Thanh Trang (5 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (4 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (3 tuổi), cùng con trai của ông Lưỡng là Hoàng Trần Hữu Chiến (4 tuổi) vẫn đang điều trị giải độc tại Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cũng vì ăn cá nóc. Riêng bé gái con bà Dung là Nguyễn Thị Oanh (9 tuổi) đã tử vong.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bà Dung và ông Lưỡng nhập viện vào lúc 18g chiều 26-7 với triệu chứng nôn mửa, đau đầu, tê môi lưỡi, đau bụng, tăng tiết nước bọt và được chẩn đoán nhiễm độc cá nóc ở mức độ vừa. Trong khi đó, bốn đứa trẻ được cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, trong đó có ba em bị hôn mê, suy giảm ý thức, rối loạn nhịp thở. Sau một ngày được hồi sức cấp cứu, súc rửa ruột, bơm thanh hoạt, truyền dịch nhằm giải độc, các bệnh nhân này đều đã tỉnh, nhịp thở đã cải thiện. Đến trưa 27-6, bà Dung vẫn có triệu chứng nôn mửa.
Nằm trên gường bệnh, ông Hoàng Văn Lưỡng cho biết trưa 26-6 ông và người con trai được vợ chồng bà Dung mời ăn cơm trưa. Bữa cơm có món cá nóc do chồng bà Dung đi biển mang về. Khoảng hai giờ sau bữa cơm, hai cha con ông Lưỡng buồn nôn, đau đầu, tê lưỡi nên được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Trong khi đó, cả năm mẹ con nhà bà Dung đều có triệu chứng nôn mửa dữ dội và hôn mê. Khoảng 30 phút sau, bé gái Nguyễn Thị Oanh tử vong, bốn mẹ con bà Dung được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Thịt cá nóc có thể ăn được, nhưng phải là loài cá nóc hoàn toàn không chứa độc tố vì cá nóc bao gồm nhiều loài khác nhau, độc và không độc. Mặt khác, độc tố của cá nóc biến động khá phức tạp theo mùa vụ và theo cá thể. Trong cùng một loài có thời điểm trong năm mang độc tính cao (ví dụ mùa mang trứng cá nóc sẽ trở nên độc hơn); và sẽ có những cá thể độc nhiều hoặc ít độc. Độc tố cá nóc cao nhất ở gan và trứng, nhưng toàn bộ cơ thể đều có chứa độc tố, do đó chỉ ăn thịt cá nóc vẫn có khả năng bị ngộ độc. Ngoài ra chưa có một công trình khoa học nào công bố về những giá trị dinh dưỡng đặc biệt của thịt cá nóc như những lời đồn đại, còn mức độ thơm ngon thì hoàn toàn tùy thuộc cảm nhận cá nhân. Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỉ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Và đặc biệt là hoàn toàn chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc cá nóc. Biện pháp chữa trị chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính (active charcoal) để thải loại bớt chất độc, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng cường sức chống chịu của cơ thể... Hiện ở VN chưa có thống kê hoàn chỉnh công bố về các loài cá nóc độc tại vùng biển nước ta, nên việc ăn cá nóc rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng con người. Do đó trước mắt phải có những cảnh báo, khuyến cáo rộng rãi không những về mức độ nguy hiểm của ngộ độc từ cá nóc mà còn về nhận dạng các loài cá nóc độc nhằm giúp người dân tránh mua hoặc sử dụng nhầm cá nóc. ĐÀO VIỆT HÀ - Viện hải dương học Nha Trang - Tuổi Trẻ Cuối Tuần |
Theo NGUYÊN LINH (TTO)