Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức quản lý nhà tù cho biết bốn kẻ phạm tội cưỡng hiếp nữ sinh viên y khoa đã bị xử tử tại nhà tù Tihar ở ngoại ô thủ đô New Delhi.
Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai bên ngoài nhà tù để kiểm soát một đám đông chờ ăn mừng vụ hành quyết. Một số người cầm áp phích in chữ “Công lý cho phụ nữ”, “Hãy treo cổ các thủ phạm”...
Vụ án xảy ra đêm 16-12-2012 đã gây ra những cuộc biểu tình lớn và sự phẫn nộ toàn cầu. Nạn nhân được báo chí Ấn Độ gọi tên là “Nirbhaya” (người không biết sợ) vì cô không thể được nêu danh tính theo luật Ấn Độ.
“Hôm nay, công lý đã được thực thi sau bảy năm”, mẹ của nạn nhân nói với các phóng viên bên ngoài nhà tù. “Tôi chào mừng tư pháp Ấn Độ và cảm ơn Thượng đế vì đã nghe những lời cầu nguyện của chúng tôi. Linh hồn con gái của tôi giờ đây có thể yên nghỉ”.
Một cuộc tuần hành phản đối vụ hãm hiếp nữ sinh viên Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Sáu người đàn ông đã bị bắt vì vụ tấn công tàn bạo. Một nghi phạm, tên Ram Singh, được phát hiện đã chết trong phòng giam của anh ta vào tháng 3-2013, trong một hành động rõ ràng là tự sát.
Một người khác, ở tuổi 17 vào thời điểm đó, đã được phóng thích vào năm 2015 sau khi ngồi tù ba năm - thời hạn tối đa có thể đối với một người chưa thành niên ở Ấn Độ.
Bốn người bị treo cổ hôm 20-3 là Vinay Sharma - huấn luyện viên thể dục, Akshay Thakur - nhân viên vệ sinh xe buýt, Pawan Gupta - người bán trái cây và Mukesh Singh - thất nghiệp. Bốn đối tượng này đã bị kết án tử hình vào năm 2013.
Năm 2017, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên bản án tử hình đối với bốn bị cáo. Các quan tòa phán quyết hành động phạm tội của họ đạt đến mức độ “hiếm nhất của tiêu chuẩn hiếm hoi” có thể tuyên phạt tử hình ở Ấn Độ.
Tổng thống Ấn Độ đã bác đơn xin khoan hồng của những kẻ phạm tội bị kết án tử hình trên, sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ “nói không” với những lời cầu xin của họ để xem xét lại bản án tử hình.
Nữ sinh viên y khoa 23 tuổi đã bị hãm hiếp và tra tấn bằng một thanh sắt trên chuyến xe buýt đang chạy ở New Delhi vào ngày 16-12-2012.
Sau đó, cô bị bỏ mặc trong tình trạng mất máu bên lề đường. Cô qua đời vài ngày sau đó tại một bệnh viện ở Singapore, sau khi được đưa tới nước này để điều trị.
Cái chết của nữ sinh viên “Nirbhaya” đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lên án vụ hiếp dâm tàn bạo tại Ấn Độ.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội từ công chúng, Ấn Độ thông qua luật mới chống bạo lực tình dục, bao gồm án tử hình cho tội phạm hiếp dâm trong một số trường hợp.
Mặc dù vậy, tại Ấn Độ vào năm 2018, trung bình cứ sau 15 phút thì có một phụ nữ trình báo bị hiếp dâm, theo dữ liệu được chính phủ nước này công bố hồi tháng trước.