Ấn Độ “ăn theo” chương trình cải cách y tế Mỹ

Thu hoạch lớn của Ấn Độ

Tờ thời báo Kinh tế của Ấn Độ gọi đây là “thu hoạch lớn nhất ” của nền công nghiệp này. Cho dù còn quá sớm để biết tầm mức của mối lợi này, những cơ sở “gia công” (outsourcers) của Ấn Độ - trung tâm điện thoại, dịch vụ sao chép sổ y tế, công ty phát triển phần mềm – đang lặng lẽ nhắm đến khả năng gia tăng khối lượng công việc hành chính và phát triển công nghệ mà chính sách chăm sóc y tế hứa hẹn đem lại.

Tài chính và ngân hàng, viễn thông và chế biến là những lĩnh vực cung cấp thị phần hoạt động cho các cơ sở nhận gia công của Ấn Độ. Nhưng theo Ameet Nivsarkar, phó giám đốc NASSCOM, bộ phận thương mại của tập đoàn gia công kinh doanh và công nghệ thông tin của Ấn Độ (BPO), chăm sóc y tế - hiện chiếm chưa đến 5% qui mô hoạt động trong các lĩnh vực này - chuẩn bị là một trong những ngành phát triển nhanh nhất, “60 tỉ USD sắp tới không thể đến từ những khu vực này. Vì thế chăm sóc y tế là một ngành công nghiệp mới đầy hứa hẹn”, Nivsarkar nói.

Một câu hỏi đặt ra: trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ gần 10%, liệu 940 tỉ USD của chương trình cải cách y tế Mỹ có đi kèm với việc chuyển một núi công việc ra nước ngoài?

Thực ra, không có luật lệ tiểu bang hay liên bang nào cấm đưa dữ liệu y tế cá nhân ra khỏi Mỹ. Các cơ sở Ấn Độ nhận công việc mới trong chương trình chăm sóc y tế mới của Mỹ theo hai cách: thứ nhất, do sáng kiến số hóa các hồ sơ y tế cá nhân được tính vào gói kích cầu năm rồi; và thứ hai, việc bảo quản hồ sơ y tế cho người mới được bảo hiểm và hàng triệu người khác đã được bảo hiểm nhưng cơ quan bảo hiểm cần cắt giảm chi phí hành chính.

Theo một nghiên cứu gần đây của trung tâm giải pháp y tế Deloitte, có đến 41% số tiền chi cho dự án y tế là dành cho chi phí hành chính. Các công ty bảo hiểm sẽ đối mặt với những công việc chiếm đến 90% trong mỗi đồng đô la phúc lợi thực tế của một khách hàng, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng hiệu quả hành chính, và do đó, cần gia công (bên ngoài) nhiều.

Tương tự, sáng kiến số hóa các hồ sơ y tế có thể trị giá nhiều tỉ đô la, thúc đẩy các nhà phát triển phần mềm kỹ thuật cao của Ấn Độ. Theo Sudhakar Ram, tổng giám đốc của công ty giải pháp IT Mastek ở Mumbai: “Bạn không có đủ người ở Mỹ để kết hợp những giải pháp này và ngay cả khi bạn làm như thế, sẽ rất tốn kém.” Dựa vào một công việc tương tự của Mastek ở Anh, Ram ước tính chi phí số hóa các hồ sơ y tế khoảng từ 10 triệu USD đến 20 triệu USD cho mỗi bệnh viện Mỹ. “Đấy là một số tiền đầu tư khổng lồ, một cơ hội cho các công ty Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm.”

Sang Mỹ giành hợp đồng

Cả hai vấn đề tạo việc làm và bảo đảm tính riêng tư có nghĩa là không phải tất cả công việc IT trong cải cách y tế đều dành cho bên ngoài nước Mỹ. Một số giám đốc điều hành tại các công ty Ấn Độ cho biết chiến lược của họ sẽ là xen lẫn lao động Mỹ với lao động Ấn Độ. Do tiền công ở Mỹ tăng ít trong thời suy thoái, không có chênh lệch lớn về chi phí giữa thuê một kỹ sư phần mềm Mỹ và đưa một kỹ sư từ Ấn Độ sang với visa cho lao động kỹ thuật cao, theo Rohit Anand, một nhà phân tích chứng khoán PINC ở Mumbai.

Sự sẵn có nhân công kỹ thuật cao ở Mỹ trong các công ty Ấn Độ là một phần lý do tại sao ba cơ sở gia công lớn nhất của Ấn Độ đã bắt đầu mở cửa hàng ở Mỹ và thuê mướn người Mỹ. Năm 2008, Wipro ở Bangalore mở một trung tâm phát triển ở Atlanta và thuê 500 người, phần lớn là người Mỹ, và điều hành một trung tâm điện thoại cho khách hàng chăm sóc y tế Mỹ.

Tata Consultancy Services lập một cơ sở tương tự gần Cincinnati với 300 nhân viên. Infosy dự định lập một chi nhánh ở Dallas, thuê mướn người địa phương và tìm kiếm hợp đồng với chính phủ Mỹ. Những công ty bảo hiểm được chọn không cho phép thất thoát dữ liệu ra khỏi Mỹ, bởi vì tiết lộ thông tin sức khỏe cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyết định làm việc với một cá nhân của một người chủ hay công ty bảo hiểm..

Cho dù có một cuộc chiến lâu dài và được quảng cáo ầm ĩ về chi phí và lợi ích của chương trình cải cách y tế, ít có tranh cãi về vai trò mà Ấn Độ sẽ thầm lặng đảm nhận ở đây. Theo nhà phân tích Anand, “Sự thật phải chấp nhận là thuê gia công bên ngoài giúp tiết kiệm tiền bạc.”

Theo Võ Phương (SGTT/ Global Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm